Trong quý II/2023, CIC Group ghi nhận doanh thu đạt 372,76 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 58,55 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 31,1%, về còn 30,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 9,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 11,62 tỷ đồng, về 113,16 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 59%, tương ứng tăng thêm 3,19 tỷ đồng, lên 8,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 10%, tương ứng giảm 3,85 tỷ đồng, về 34,79 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù Công ty đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận vẫn giảm 16,5%, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp suy giảm cùng doanh thu và chi phí tài chính tăng cao.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, CIC Group ghi nhận doanh thu đạt 623,85 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 84 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, trong năm 2023, CIC Group đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.324,9 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 175 tỷ đồng, tăng 3,3% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, CIC Group hoàn thành 48% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của CIC Group giảm nhẹ 0,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 19,2 tỷ đồng, xuống 4.729 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 2.839,6 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 938,6 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, tài sản biến động mạnh trong kỳ chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 70,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 58,14 tỷ đồng, xuống còn 24,02 tỷ đồng và chỉ chiếm khiêm tốn 0,5% tổng tài sản.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm nhẹ 21,4 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 1.556,1 tỷ đồng và bằng tới 118,6% vốn chủ sở hữu.
CIC Group chỉ có 1 cổ đông lớn duy nhất tại thời điểm 30/6/2023 (Nguồn: BCTC) |
Về cơ cấu cổ đông, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ cấu cổ đông CIC Group không thay đổi khi ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT vẫn là cổ đông lớn duy nhất sở hữu 8,3% vốn điều lệ; và còn lại trôi nổi bên ngoài lên tới 91,7% thuộc về cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Đại hội lần 2 không thể tổ chức do không có sự đồng thuận của cổ đông
Một diễn biến đáng lưu ý khác, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức lần thứ hai vào ngày 26/7, CIC Group cho biết có 346 cổ đông và đại diện cổ đông sở hữu 73.998.493 cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, chiếm 77,68% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Mặc dù Đại hội lần hai đã đủ tỷ lệ tối thiểu cổ đông tham dự trên 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng quy chế tổ chức và làm việc tại Đại hội; và chương trình Đại hội đã không được thông qua khi có tới 56,39% tổng cổ phần tham dự phủ quyết, vì vậy Đại hội không thể thực hiện như kế hoạch.
Như vậy, Đại hội lần 2 đủ điều kiện tiến hành nhưng không thể thực hiện do không có sự đồng thuận của cổ đông và Hội đồng quản trị sẽ xem xét triệu tập Đại hội lần 3.
Trước đó, sau khi nhận được đơn ứng cử và xem xét bãi nhiệm thành viên HĐQT, CIC Group đã chính thức lên tiếng trước thềm Đại hội ngày 26/7.
Trong đó, đầu tiên, CIC Group từ chối yêu cầu bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 của nhóm cổ đông và thống nhất không bổ sung nội dung này vào chương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 - triệu tập lần 2 vào ngày 26/7 do không có cơ sở để trình Đại hội xem xét bãi nhiệm.
Thứ hai, Công ty từ chối đơn ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 của 5 cá nhân được đề cử bởi các nhóm cổ đông và thống nhất không đưa nội dung bầu nhân sự Hội đồng quản trị tại cuộc họp Đại hội ngày 26/7 do đơn đề cử không hợp lệ.
Được biết, trước đó, thông qua truyền thông, nhóm cổ đông sở hữu hơn 8,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,25% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại CIC Group có đơn đề nghị bãi nhiệm 8/9 thành viên HĐQT, đồng thời đề cử nhân sự tham gia HĐQT CIC Group nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trong đó, nhóm cổ đông bao gồm 5 cổ đông cá nhân cho biết, đã có đơn đề cử nhân sự là ông Bùi Tiến Đức (hiện không sở hữu cổ phần CKG) đại diện phần vốn góp của nhóm cổ đông tham gia ứng cử HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngoài ra, nhóm cổ đông cũng có văn bản về việc quyết định bãi miễn và miễn nhiệm các thành viên HĐQT đương nhiệm của CIC Group, và cũng đề xuất với Chủ tịch HĐQT thực hiện các thủ tục cần thiết để làm tờ trình ra ĐHĐCĐ để bãi nhiệm các thành viên HĐQT đương nhiệm theo nhiệm kỳ 2021 - 2025, với các thông tin của thành viên bị bãi nhiệm bao gồm:
Ông Quảng Trọng Sang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm thành viên độc lập; bà Phạm Thị Như Phượng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; ông Lê Trọng Ngọc, thành viên HĐQT; ông Lê Trọng Tú, thành viên HĐQT; bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, thành viên HĐQT; ông Nguyễn Đức Hùng, thành viên HĐQT; ông Hà Duy Nghiêm, thành viên HĐQT kiêm thành viên độc lập; và ông Nguyễn Thanh Lâm , thành viên HĐQT kiêm thành viên độc lập.
ĐHĐCĐ lần 1 bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự
Trước đó, ngày 30/6, CIC Group tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, nhưng chỉ có 210 cổ đông và đại diện tham dự, tương ứng sở hữu 25,44 triệu cổ phiếu (26,71% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) tham dự, căn cứ quy định pháp luật, Đại hội đã không đủ điều kiện để tổ chức.
Được biết, CIC Group là một công ty có tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tương đối cao, Công ty chỉ có một cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Trần Thọ Thắng sở hữu 8,31% vốn điều lệ và còn lại là các cổ đông nhỏ.
Nói tới CIC Group, nhà đầu tư chứng khoán nghĩ ngay tới một doanh nghiệp địa phương, sở hữu quỹ đất lớn tại tỉnh Kiên Giang.
Hiện tại, CIC Group đang sở hữu quỹ đất đang triển khai khoảng hơn 189 ha. Trong đó, phải kể tới các dự án quy mô lớn như Khu đô thị lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá với quy mô 99,4 ha; dự án Khu dân cư Nam An Hoà (giai đoạn 1) với diện tích 14,52 ha; dự án Khu dân cư tuyến đường số 02 với diện tích 11,06 ha…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu CKG đóng cửa giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu.