Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) |
Trong kịch bản cao, lạm phát bình quân đạt 3,7%, tăng trưởng xuất khẩu là 16,3% và thặng dự thương mại ở mức 2,7 tỷ USD.
Trong kịch bản cơ bản, lạm phát bình quân vẫn ở mức mục tiêu là 4,0%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,8% và thặng dư thương mại là 1,2 tỷ USD.
Thông tin cập nhật được đưa ra tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và Phát triển bền vững do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay, 15/7.
Như vậy, với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng năm 2022 gần sát với mức 7% mà Chính phủ đang đặt ra cho kinh tế năm nay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tổ chức vào ngày 4/7.
Đi cùng với các kịch bản tăng trưởng, các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhắc đến những yếu tố tác động đến triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng tới. Đây cũng là các khuyến nghị chính sách để đảm bảo được tính khả thi của kịch bản cao.
Đó là khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới; Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và neo kỳ vọng lạm phát..
Khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và xử lý các rủi ro gắn với với đối đầu thương mại – công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD... cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia nghiên cứu lưu tâm.
Đặc biệt, các chuyên gia CIEM cho rằng, dù Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, nhưng áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn.
"Khuyến nghị quan trọng nhất vẫn là kiểm soát lạm phát", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM chia sẻ trong các phân tích về tình hình kinh tế 6 tháng tới.
Điểm đáng lưu ý nữa là bối cảnh 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. "Trong bối cảnh này, việc duy trì công thức từ những năm trước đó – duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh theo hướng thị trường hiện đại càng có ý nghĩa quan trọng”, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội thảo.
Vì vậy, Báo cáo Kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của CIEM nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo, phục hồi xanh và gắn với củng cố kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
"Đây là lý do chúng tôi chọn cải cách và phát triển bền vững cho chủ đề của báo cáo này", bà Minh chia sẻ.