Sức khỏe doanh nghiệp
CII: Dư nợ vay tài chính ngày một phình to, lấy nguồn đâu trả nợ
Chí Tín - 24/10/2020 11:40
Những đợt phát hành trái phiếu diễn ra liên tục của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng TP.HCM (CII, mã CII, sàn HoSE) làm cho dư nợ vay tài chính ngày một phình to.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ trái phiếu của Công ty mẹ CII khoảng 6.615 tỷ đồng.

Nợ gối nợ

Vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường CII đã thông qua phương án phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng. Đây là đợt phát hành có quy mô lớn và phải đưa ra thông qua tại Đại hội đồng cổ đông, nhưng nội dung ủy quyền cho Hội đồng Quản trị khá rộng, gần như bao phủ những công việc cơ bản cho việc thực hiện đợt phát hành.

Cụ thể, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường đã giao Hội đồng Quản trị thương lượng và quyết định các vấn đề liên quan đến phát hành trái phiếu: quyết định các điều kiện, điều khoản của trái phiếu; các vấn đề về sử dụng tiền thu được từ phát hành, cách thức thực hiện và bố trí nguồn trả nợ. Hội đồng Quản trị cũng đã quyết định các vấn đề về tài sản đảm bảo, chủng loại tài sản, các nội dung của hợp đồng…

Trước đợt phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu lần này, CII đã có quy mô nợ phải trả khá lớn, với giá trị tại ngày 30/6/2020 là hơn 22.212 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cùng thời điểm chỉ là 8.424,9 tỷ đồng. Riêng số vay và nợ thuê tài chính dài hạn của CII đã lớn hơn vốn chủ sở hữu, đạt giá trị 10.841,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn có tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 4.543,5 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ trái phiếu của Công ty mẹ CII khoảng 6.615 tỷ đồng. Phần lớn số tiền thu về sử dụng cho các dự án đầu tư bất động sản và cầu đường của Công ty. Số dư nợ trái phiếu có kỳ hạn phải trả từ 2 năm trở lên hiện chiếm khoảng 82% tổng dư nợ trái phiếu.

Tổng giá trị mà Công ty mẹ CII đầu tư vào các dự án trọng yếu là 9.424 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với 3.776 tỷ đồng. Tiếp đó là Dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội 2.444 tỷ đồng; Dự án đầu tư vào NBB 1.778 tỷ đồng… Ngoài ra, một phần vốn đầu tư vào Dự án Bất động sản 152 - Điện Biên Phủ, Dự án Bất động sản D’Verano.

Thời gian tới, CII sẽ tiếp tục phát hành một số đợt trái phiếu khác. Cụ thể là đợt phát hành 800 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với quy mô 500 tỷ đồng. Theo đó, sau 2 đợt phát hành kể trên và đợt phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua, thì tổng nguồn trái phiếu mà CII huy động được ước tính đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.

Nguồn trả nợ lấy từ đâu?

CII cho biết, từ cuối năm 2020, các dự án hạ tầng trọng điểm của CII sẽ được đưa vào thu phí hoàn vốn. Đó là Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội được thu phí từ cuối năm 2020 và Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ năm 2021.

Theo đó, tổng doanh thu phí của danh mục các dự án BOT là gần 2.700 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với doanh thu thu phí hiện tại. CII cho biết, với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe như hiện nay và lộ trình tăng giá vé thu phí theo tiến độ trong hợp đồng BOT, thì tổng doanh thu phí của danh mục các dự án BOT có thể đạt gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2026 (tương ứng mức giá tăng gần 50% sau 5 năm).

Đó là các con số tính toán của CII, nhưng ước tính số thu 4.000 tỷ đồng vào năm 2026 là trên cơ sở giả định về sự tăng lên lưu lượng xe, chưa tính các yếu tố rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ, một đợt giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng có thể khiến lưu lượng giao thông giảm một cách rất khó ước tính.

Ngoài ra, số thu nếu đạt được đúng như ước tính trên của CII thì cũng chưa đủ bù cho số dư nợ trái phiếu tính đến hết tháng 9 (6.615 tỷ đồng). Chưa kể trong 3 tháng năm 2020, CII còn huy động 3 đợt để tăng số dư nợ trái phiếu thêm 2.900 tỷ đồng nữa. Đây là các con số vay nợ gốc chưa tính lãi suất. Công ty cũng chưa hé lộ về việc có thể còn tiếp tục các đợt phát hành thêm trái phiếu trong năm 2021 hay không.

CII cho biết, còn một nguồn thu nữa có thể thực hiện là khi các dự án BOT đã đi vào thu phí ổn định, có thể tiến hành định giá lại dòng tiền tương lai của các dự án BOT để chuyển nhượng cho các nhà đầu tư tài chính dài hạn. Đây là cách làm mà CII từng thực hiện trong các dự án trước đây, nhưng điều này không có gì đảm bảo là trong tương lai, Công ty sẽ thực hiện thành công. Sự thành bại của nguồn thu này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm được nhà đầu tư có năng lực mua lại dự án.

Tin liên quan
Tin khác