Ngân hàng - Bảo hiểm
Có 26 dự án tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; Chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Thanh Thuỷ - 06/08/2023 10:26
Cập nhật mới về gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền vừa ban hành cùng thông tin kết quả kinh doanh quý II là tiêu điểm của ngành ngân hàng tuần qua.

Chuyển tiền điện tử giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo giao dịch trong phòng, chống rửa tiền

Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.

Về giao dịch chuyển tiền điện tử, Thông tư quy định:

1- Tổ chức tài chính tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử bao gồm:

a) Tổ chức tài chính khởi tạo là tổ chức khởi tạo lệnh chuyển tiền điện tử và thực hiện chuyển tiền thay mặt cho người khởi tạo;

b) Tổ chức tài chính trung gian là tổ chức nhận và chuyển lệnh chuyển tiền điện tử thay mặt cho tổ chức tài chính khởi tạo và tổ chức tài chính thụ hưởng hoặc thay mặt cho tổ chức tài chính trung gian khác;

c) Tổ chức tài chính thụ hưởng là tổ chức nhận lệnh chuyển tiền điện tử trực tiếp từ tổ chức tài chính khởi tạo hoặc thông qua tổ chức tài chính trung gian và thực hiện chi trả cho người thụ hưởng.

2- Tổ chức tài chính trong nước là tổ chức tài chính khởi tạo trong giao dịch chuyển tiền điện tử chỉ được thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử khi lệnh chuyển tiền điện tử có đầy đủ, chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối.

3- Tổ chức tài chính trong nước là tổ chức tài chính trung gian tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử phải bảo đảm:

- Có biện pháp để xác định các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối;

- Áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp bao gồm từ chối hoặc tạm dừng giao dịch hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối.

4- Tổ chức tài chính trong nước là tổ chức tài chính thụ hưởng trong giao dịch chuyển tiền điện tử phải bảo đảm:

- Có biện pháp để xác định các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối;

- Áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp bao gồm từ chối hoặc tạm dừng giao dịch hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý ngoại hối.

Theo Thông tư quy định, đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin và báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử theo quy định khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử trong các trường hợp sau đây:

a) Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này cùng ở Việt Nam (giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương;

b) Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Đã có 26 dự án bất động sản tham gia gói 120.000 tỷ đồng

Cũng trong tuần qua, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra chiều nay (3/8), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã cung cấp một số thông tin liên quan đến tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Phó thống đốc, đến nay có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 UBND tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12.800 tỷ đồng.

Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Đồng thời hiện nay, các NHTM đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.

Phó thống đốc Đào Minh Tú đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố tránh tình trạng như thời gian qua công bố dự án rất nhiều nhưng tỷ lệ giải ngân lại chưa được nhiều.

Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng quy định (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).

Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vướng mắc hiện nay trong vấn đề pháp lý.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý II: Lợi nhuận phân hoá, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sụt giảm, nợ xấu tăng

Bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng thống kê kết quả kinh doanh của 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn chứng khoán và dự báo cho hoạt động của ngành nửa cuối năm.

Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 61.600 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại quý II/2022, tăng trưởng lợi nhuận đạt 36,1%.

Tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với đầu năm tại cuối quý II/2023 – thấp hơn mức tăng 9,4% tại thời điểm cuối quý II/2022 nhưng đã tăng mạnh so với mức 3,2% cuối tháng 5.

Các ngân hàng tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản như TCB, HDB cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng quý II/2023 chậm lại khi thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn như tăng trưởng tín dụng của TCB và HDB chỉ đạt lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Trong quý II/2023, tín dụng của ACB tăng 5,51%; VIB tăng 2,19% sv quý trước, cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.

Một số ngân hàng với câu chuyện cũng có mức tăng trưởng tín dụng đáng chú ý. MBB, với kế hoạch tham gia tái cấu trúc một tổ chức tín dụng yếu kém, cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao (+6,49% so với quý trước) cũng như được giao hạn mức tín dụng tốt hơn so với bình quân ngành (~24%). Tương tự, với VPBank, tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% so với quý trước và được giao hạn mức 24% cho năm 2023 chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.

VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Ngược lại, trong nửa cuối năm, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Tỷ  lệ thu nhập lãi thuần (NIM) toàn ngành, khi giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,41% và xuất hiện trên diện rộng với 19/25 ngân hàng ghi nhận giảm NIM. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần đạt mức thấp nhất kể từ quý IV/2020. Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có Sacombank, VIB và VietinBank có thể duy trì mức NIM cao hơn cùng kỳ. 

Khối phân tích từ VNDirect đánh giá vùng đáy NIM có thể ở quanh mức hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Cũng theo VNDirect, tỷ lệ nợ xấu của nhóm 25 ngân hàng lớn nhất trên sàn đã tăng lên 2,1% tại cuối quý II/2023. từ mức 1,9% tại cuối quý I. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm từ 106% xuống 98% sau ba tháng. Ngoài ra, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, tổng giá trị nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, tương đương với 0,5% tổng tín dụng toàn hệ thống. 

Tại mỗi ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu đều tăng. Đối với tỷ lệ bao phủ nợ xấu, trừ Vietcombank, tỷ lệ này tại các nhà băng khác hầu như sụt giảm. Theo VNDirect, chi phí dự phòng tiếp tục là lo ngại trong nửa cuối năm 2023 khi tốc độ tăng của nợ xấu và nợ nhóm 2 đã nhanh hơn mức tăng của chi phí dự phòng.

Tin liên quan
Tin khác