Điểm nóng
Có 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc- xin Covid-19 tại TP.HCM
Thị Hồng - 06/03/2021 10:29
Sở Y tế TP.HCM vừa gửi Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP.HCM kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn, với 44.175 người thuộc 9 nhóm đối tượng ưu tiên.

Ngày 02/03/2021, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế có công văn số 165/DP-TC gửi Sở Y tế TP.HCM về việc rà soát, thống kê đối tượng tiêm vắc- xin Covid-19 trên địa bàn.

Sau đó, Sở Y tế rà soát, đánh giá và cho biết, TP.HCM không có ổ dịch đang hoạt động trong cộng đồng.

Do đó, Thành phố không xác định địa bàn ưu tiên tiêm chủng và thống kê đối tượng ưu tiên tiêm vắc- xin Covid-19.

Bảng: 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc- xin Covid-19 tại TP.HCM.

STT

Đối tượng ưu tiên

Số lượng

1

Tổ Covid cộng đồng

38.000

2

Cán bộ lấy mẫu xét nghiệm

1.710

3

Nhân viên tham gia điều tra dịch tễ

1.362

4

Lực lượng công an

1.042

5

Lực lượng quân đội

600

6

Nhân viên tại các khu cách ly tập trung

513

7

Thành viên tổ truy vết

388

8

Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19

285

9

Cán bộ trực tiếp tiêm chủng vắc xin Covid-19

275

Tổng cộng

44.175

Sáng 5/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 3/3, Việt Nam đã nhận được giấy kiểm định chất lượng đối với lô 117.000 liều vắc- xin AstraZeneca sản xuất tại Hàn Quốc.

Bộ Y tế đã giao cho các lực lượng kiểm nghiệm vắc- xin và khẳng định, đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.

Ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ tập huấn toàn quốc để hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản, tiêm, xử lý tai biến sau tiêm…

Dự kiến, ngày 8/3/2021, những liều vắc- xin đầu tiên sẽ được tiêm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc- xin phòng Covid-19.

Trong đó, những người trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-18 tại 18 cơ sở điều trị sẽ được tiêm đầu tiên, sau đó tiêm cho các vùng dịch của 13 tỉnh, thành phố ghi nhận các ca mắc Covid-19 thời gian qua.

Với những người được tiêm, Bộ Y tế đã thiết kế quá trình quản lý, theo dõi, giám sát bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Cán bộ y tế kiểm tra lại các thủ tục trước khi tiêm thử nghiệm mũi vắc-xin Covid-19 Nano Covax tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, ngày 26/02/2021 (Ảnh: Lê Toàn).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc tiếp cận vắc- xin hiện có nhiều khó khăn, đòi hỏi một quá trình lâu dài, do nhu cầu lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế.

Trong khi đó, nhiều nước sẵn sàng mua theo “kỳ vọng”, thậm chí đăng ký mua gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.

Việc đảm bảo đủ vắc- xin Covid-19 ngay rất khó khăn. Đây là những vắc- xin mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ và chỉ có hiệu lực bảo vệ từ 6 tháng đến 1 năm (theo báo cáo của nhà sản xuất, đánh giá kiểm nghiệm lâm sàng).

Theo các nghiên cứu, vắc- xin Pfizer đạt hiệu quả trên 90%, hiệu quả mũi 1, mũi 2 của vắc- xin AstraZeneca lần lượt 76% và 81%...

Vì vậy, song song với việc mua vắc- xin từ nước ngoài, Việt Nam phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vắc- xin trong nước.

Vắc- xin không thể đảm bảo phòng dịch 100%, vì vậy, mọi người dân cần phải thực hiện nghiêm thông điệp “vắc- xin + 5K”.

Tin liên quan
Tin khác