Thời sự
Cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19
An Nguyên - 17/03/2021 20:54
Gửi báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với bước đi phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ đương nhiệm.

Gửi báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với bước đi phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV khai mạc ngày 24/3 tới, Chính phủ đã hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 phục vụ phiên thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật ngày 16/3 vừa qua.

Phục vụ nhân dân ngày càng thực chất hơn 

Một trong những nội dung lớn của báo cáo này là nêu phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đáp ứng mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân ngày càng thực chất, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.

Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bảo đảm quản lý thống nhất.

Nhiệm vụ tiếp theo được Chính phủ xác định là tập trung rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, hạ tầng; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội; tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trong xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tham gia nghiên cứu, xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng là nhiệm vụ được nêu tại báo cáo.

Tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho phát triển

Thời gian tới một trong những nhiệm vụ Chính phủ xác định sẽ tập trung thực hiện là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự phát triển và vận hành của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế; kiên định mục tiêu ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nhiệm vụ này còn đặt ra việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với bước đi phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, chú trọng các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho phát triển đất nước một cách bền vững. Chú trọng phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới.

Liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, trong các tồn tại hạn chế của nhiệm kỳ này, Chính phủ nhìn nhận: việc thực hiện các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế trên một số lĩnh vực chưa đạt như kỳ vọng.

Còn với biến số Covid-19, Chính phủ dự báo tác động của đại dịch này tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển kinh tế xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Bởi thế "Chính phủ nhận thức rằng, những kết quả chủ yếu đạt được, những ưu điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm được đánh giá, rút ra cũng như một số kiến nghị về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới không chỉ là tổng kết, kiểm điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, mà còn là cơ sở để Chính phủ nhiệm kỳ tới và các cơ quan trong hệ thống hành chính, chính quyền các cấp nghiên cứu, tham khảo trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước" - báo cáo tổng kết nêu rõ. 

Tin liên quan
Tin khác