Thời sự
Cơ cấu lại nền kinh tế: Tận dụng cơ hội để phát triển nhanh, bền vững
Nguyễn Lê - 29/10/2021 14:18
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số

Chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh mới và yêu cầu phát triển mới, quan điểm xây dựng kế hoạch là tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020, bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội (các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế xanh, kinh tế số...) và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.

Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng tiến tới dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ trưởng nêu rõ.

Kế hoạch mới cũng xác định, lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với quan điểm trên, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.

Giữ vững ổn định và củng cố nền tảng vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những những biến động trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP

Kế hoạch nêu nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Với mục tiêu củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô chỉ tiêu đặt ra là giảm dần thâm hụt NSNN, cả giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 3,7% GDP. Đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP  và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP

Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế . Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

Trong mục tiêu phát triển mạnh các loại thị trường, chỉ tiêu đặt ra là dến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP. Đến năm 2025, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng 10-15 bậc đến năm 2025 so với năm 2019. 

Một số mục tiêu tiếp theo được nêu tại kế hoạch là hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai . Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%-30% vào năm 2025. Đến năm 2025, chỉ số Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng 40 - 50 bậc so với năm 2019; chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc. Đến năm 2025, tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ (KHCN) của toàn nền kinh tế đạt không dưới 1% GDP ; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Đến năm 2025, tối thiểu 5 đến 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế số  chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng là chỉ tiêu được nêu tại kế hoạch.

Kế hoạch đã xác định 130 nhiệm vụ cụ thể phân công cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ngay chiều 29/10 Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch nói trên.

Tin liên quan
Tin khác