Phương án xử lý 3 ngân hàng yếu kém đã kéo dài qua nhiều năm. |
Theo chương trình Kỳ họp thứ sáu, từ ngày 6 /11 đến hết sáng ngày 8/11 là thời gian Quốc hội dành cho hoạt động chất vấn.
Tại kỳ họp này, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Phục vụ hoạt động này, ngày 5/11 Tổng thư ký Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu báo cáo tổng hợp các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, lĩnh vực ngân hàng có ba vấn đề. Gồm, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.
Đây là những vấn đề khiến cho cơ quan của Quốc hội và nhiều vị đại biểu Quốc hội hết sức sốt ruột, liên tục đề cập ở nhiều kỳ họp, không riêng nhiệm kỳ này.
Bời từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với các Ngân hàng Xây dựng (Việt NamCB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhưng tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này vô cùng ì ạch. Khoảng 3-4 năm sau đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra vô số khó khăn của các ngân hàng nói trên và cho rằng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm . Thậm chí có thể tính đến phương án cho giải thể hoặc phá sản, bởi theo ước tính của Kiểm toán Nhà nước, số lỗ mỗi năm của 3 ngân hàng này lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, những con số cụ thể về nợ xấu hay thua lỗ cùa các ngân hàng nói trên không tiếp tục được công khai tại các báo cáo kiểm toán gửi đại biểu Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ vẫn nêu nhiều khó khăn và cơ quan của Quốc hội không ngừng thúc giục phải đẩy nhanh tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém.
Tháng 10/2022 NHTMCP Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt, thêm một nỗi lo mới với yêu cầu cơ cấu lại các tổ chức tín dụng vốn đã rất khó khăn.
Tại kỳ họp thứ sáu này, gửi báo cáo đến Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nêu khó khăn, như việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ…
Cũng gửi báo cáo tới Quốc hội, Kiểm toán nhà nước cho biết, phương án xử lý 3 ngân hàng yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng, theo Kiểm toán nhà nước.
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB (DongABank).
Kết quả kiểm toán cho thấy, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số NHTM tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống, cơ quan kiểm toán cảnh báo.
Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị NHNN Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.
Đối với các NHTM tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.