Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu tại tổ. |
Đồng tình về sự cần thiết để Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), đề nghị có lộ trình thích hợp để phát triển quần đảo Trường Sa trong hiện tại và tương lai.
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải nhận xét, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, đầy đủ.
Đồng tình về sự cần thiết để Quốc hội ban hành Nghị quyết này, ông Khải cũng thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ ba này.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Khải cho rằng Nghị quyết cần đảm bảo việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa phải gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
"Chính phủ trình cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là để cụ thể hóa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra trong điều kiện ngân sách của Nhà nước còn nhiều khó khăn, phải xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi thành phần kinh tế tư nhân đầu tư cho phát triển ba trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Khánh Hòa, gồm: Vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, vịnh Cam Ranh. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Một yêu cầu hết sức quan trọng là phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa không thể tách rời giữa kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền quốc gia" ông Khải nhấn mạnh.
Để tạo cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, đại biểu Khải đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác, tác động chính sách, cụ thể là kinh tế - xã hội, về môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh để các nội dung của Nghị quyết của Quốc hội sau khi ban hành phải đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống. Đặc biệt, có lộ trình thích hợp để phát triển quần đảo Trường Sa trong hiện tại và tương lai.
Đại biểu Khải phân tích, tỉnh Khánh Hòa có Vịnh Cam Ranh, đứng trên Vịnh Cam Ranh có thể nhìn ra toàn bộ Biển Đông, đây là vị trí chiến lược được rất nhiều quốc gia quan tâm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư tại đây. Quần đảo Trường Sa không chỉ là một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà còn hàm chứa trong đó tiềm lực phát triển kinh tế mạnh, nguồn đặc thù với cơ chế đặc thù gắn với yếu tố bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xuất phát từ vị trí địa lý Biển đảo quan trọng, khác biệt với các địa phương khác là công tác quản lý quần đảo Trường Sa hết sức quan trọng đối với một vị trí cửa ngõ chính ra biển Đông của khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do đó, một trong những yêu cầu quan trọng, đó là kinh tế của tỉnh Khánh Hòa không thể tách rời giữa kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền quốc gia, 2 cái này phải song song, ông Khải nêu quan điểm.
Cơ chế đặc thù dành ưu đãi để Khu Kinh tế Vân Phong tìm nhà đầu tư chiến lược cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, không nên đưa ra các chính sách ưu đãi với các lĩnh vực đầu tư không thiết yếu, như vào sân golf, khu đô thị, trung tâm thương mại…
Ông Hoà ví dụ, nếu đưa ra chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf không khéo nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế rồi, lại đem bán đất để thu lời mà vẫn giàu to, đất mất, Nhà nước thu tiền không được bao nhiêu.
“Là nhà đầu tư chiến lược, nhưng nếu dự án không trong diện Chính phủ ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi, dù thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà”, ông nhấn mạnh.
Theo dự thảo Nghị quyết, nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Ông Phạm Văn Hoà cho rằng, thời hạn đưa ra như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ luỵ nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định “chiếm đất, bán sang tay lại”. Vì thế, vị đại biểu Đồng Tháp đề nghị thời hạn cấm chuyển nhượng dự án nên dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cơ quan thẩm tra dự thảo, cũng cho rằng, thời hạn không được chuyển nhượng dự án trong 3-5 năm là ngắn, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để đầu tư "núp bóng". Thời hạn này chưa bảo đảm yêu cầu gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt, cần tính đến yếu tố bảo đảm an ninh kinh tế, nhạy cảm quốc phòng.
Bà Mai cho biết, có ý kiến trong Ủy ban thẩm tra đề nghị quy định rõ việc nếu nhà đầu tư chiến lược không triển khai thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác thì sẽ phải thu hồi dự án và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.