Chuyển động thị trường
Cơ chế là “liều thuốc” phục hồi thị trường bất động sản
Việt Dũng - 25/02/2023 11:04
Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, doanh nghiệp bất động sản rất cần những cơ chế đặc biệt để giúp vượt qua giai đoạn này.

Trong những cuộc hội thảo và gặp mặt mới đây về việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều cho rằng, vướng mắc pháp lý và khó khăn về vốn là nguyên nhân chính đẩy thị trường bất động sản vào tình cảnh hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hơn 50% vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến yếu tố pháp lý, còn số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra trước đó là 70%, chủ yếu do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Đáng nói là, sự ách tắc pháp lý đã kéo dài rất nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Điều này không chỉ làm doanh nghiệp gia tăng chi phí, đánh mất cơ hội làm ăn, mà còn là một trong những yếu tố dẫn đến mất cân đối cung cầu (do các dự án nhà ở thương mại không thể được khởi công). Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, điều các doanh nghiệp và chủ đầu tư mong muốn chính là được hỗ trợ về cơ chế.

Khi đã có cơ chế, chính sách thuận lợi, các doanh nghiệp bất động sản sẽ chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc nhà ở bình dân, đáp ứng nhu cầu ở thực.

Phát biểu tại hội nghị mới đây, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định cho phép ngân hàng thương mại giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2-3 năm để giúp doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

“Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm tránh cho 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu”, ông Nhơn nói và bày tỏ mong muốn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của mọi doanh nghiệp trên cả nước. Việc này sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo thông thoáng cho môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn FDI, giúp phát triển đô thị, tăng nguồn thu ngân sách.

Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME cho rằng, doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Chỉ cần Nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thị trường sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo cú hích cho nền kinh tế.

“Khi đã có cơ chế, chính sách thuận lợi, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ở thực”, ông Phi nói.

Để quá trình triển khai dự án nhanh chóng, cần rà soát và hướng dẫn ban hành quy trình chuẩn các bước về thủ tục đầu tư xây dựng với những dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp để thống nhất thực hiện. Lưu ý giảm bớt các khâu, bởi theo quy trình thủ tục hiện nay, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp giấy phép xây dựng và được thi công. Điều này vừa làm chậm tiến độ, vừa tăng chi phí, tăng giá nhà, mà người mua phải gánh chịu.

Trước đó, bức xúc khi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mãi không được giải quyết, Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, các bộ và UBND TP.HCM, với mong muốn sớm được giải quyết thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật cho Dự án Shizen Home (quận 7).

Trong văn bản này, Gotec Land cho rằng, Sở Xây dựng TP.HCM đã làm khó, không duyệt thủ tục cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai để công ty mở bán sản phẩm.

Được biết, dự án này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng; đã thi công và hoàn thành phần móng, hầm theo biên bản nghiệm thu ngày 22/6/2022, nên cơ bản đã đủ điều kiện đưa ra kinh doanh. Nhưng sau 6 tháng từ khi nộp hồ sơ lần đầu để xin cấp thông báo đủ điều kiện mở bán vẫn bị đưa vào diện chờ rà soát. Việc từ chối giải quyết thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp có dự án vướng mắc để tìm cách tháo gỡ. Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cam kết sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của Thành phố. Điều này được các thành viên thị trường xem là một tín hiệu tích cực, song doanh nghiệp vẫn chờ hành động cụ thể từ phía các cơ quan chức năng, chứ không chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn.

Tin liên quan
Tin khác