Cụ thể, Hoa Sen dự kiến góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng, thời gian hoàn thành góp vốn là ngày 21/2/2023.
Số tiền huy động được, CTCP Hoa Sen Yên Bái sẽ dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.
Sau tăng vốn, vốn điều lệ của CTCP Hoa Sen Yên Bái là 421 tỷ đồng. Trong đó, Hoa Sen sở hữu 95,962% vốn điều lệ, tiếp tục ghi nhận đầu tư vào công ty con và còn lại 4,038% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác.
Được biết, CTCP Hoa Sen Yên Bái được thành lập ngày 5/5/2016, địa chỉ tại tổ 11, phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sách sạn, dịch vụ ăn uống và khu trung tâm thương mại.
Hoa Sen đặt kế hoạch niên độ 2022-2023 với lợi nhuận tối thiểu 100 tỷ đồng, giảm 60%
Trước đó, Hoa Sen công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2022-2023 diễn ra vào ngày 10/3 tại TP.HCM. Trong đó, trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.
Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, Công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Kịch bản thứ hai, tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ban HĐQT của Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành. Tuy nhiên, xét ở góc độ nội tại, Hoa Sen vẫn đang duy trì sự ổn định về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh.
Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Công ty tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của CTCP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc IPO vào một thời gian phù hợp, dự kiến thời gian sẽ là từ năm 2024 đến năm 2026 nếu tình hình kinh tế thuận lợi.
Đối với mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, Công ty tiếp tục mở rộng, củng cố hiệu quả kinh doanh của hệ thống Hoa Sen Home. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để thành lập CTCP Phân phối VLXD – Nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home) và tổ chức chuyển giao mảng phân phối VLXD cho CTCP Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp, dự kiến năm 2024-2026.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận, niên độ 2021-2022, Công ty ghi nhận lợi nhuận là 251,3 tỷ đồng, Công ty dự kiến trích lập quỹ khen thưởng 2%, quỹ phúc lợi 2% và 4% trích quỹ tài trợ, từ thiện.
Riêng đối với cổ đông, Công ty trình kế hoạch cổ tức 3% bằng cổ phiếu cho niên độ 2021-2022.
Quý I niên độ 2022-2023, Hoa Sen lỗ 680,2 tỷ đồng, quý lỗ thứ hai liên tiếp
Trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.917,4 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ quý thứ hai liên tiếp, giá trị lỗ là 680,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638,3 tỷ đồng, tức giảm 1.318,5 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm mạnh từ 12,5% về còn 2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 92,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.963,33 tỷ đồng về 159,97 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 79,1%, tương ứng giảm 120,99 tỷ đồng về 32,05 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 32,8%, tương ứng giảm 55,39 tỷ đồng về 113,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 43,6%, tương ứng giảm 592,94 tỷ đồng về 768 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Hoa Sen lý giải ghi nhận lỗ trong quý I niên độ tài chính 2022-2023 do lợi nhuận gộp giảm do tác động từ việc giảm biên lợi nhuận gộp.
Trước đó, trong quý IV niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen cũng ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp, Hoa Sen đã ghi nhận lỗ 1.567,18 tỷ đồng.
Được biết, quý lỗ gần nhất là IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp gần đây, giá trị lỗ của Hoa Sen đang gấp nhiều lần so với quý IV/2018.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 6,2% so với đầu năm về 15.963,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 5.980,5 tỷ đồng, chiếm 37,5% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.716,2 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.655 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới 31/12/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hoa Sen giảm 35,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.493,3 tỷ đồng về 2.693,7 tỷ đồng và chiếm 16,9% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu HSG giảm 800 đồng về 15.000 đồng/cổ phiếu.