Triển khai NSW, doanh nghiệp được lợi gì, thưa ông?
NSW là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.
. |
Với NSW, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực trong chuẩn bị hồ sơ, đi lại để hoàn thành thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa, do hồ sơ, chứng từ được điện tử hóa, doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ điện tử đến NSW là đã có thể hoàn thành việc cấp phép và thủ tục thông quan hàng hóa.
Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến xuất nhập khẩu được điện tử hóa và được NSW lưu lại toàn bộ thông tin cũng như ngày, giờ mà doanh nghiệp gửi đến. Các thông tin liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính được công bố trên NSW nên tăng được tính minh bạch trong quá trình doanh nghiệp làm thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu.
Các thủ tục cấp phép, thông quan hàng hóa được thực hiện trong môi trường điện tử, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cộng với việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên NSW sẽ giảm tối đa tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức.
Qua 4 năm triển khai NSW, về định lượng, doanh nghiệp đã được hưởng lợi bao nhiêu?
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD.
Năm 2017, với trên 11 triệu tờ khai hải quan, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu. Trong năm 2016 và 2017, Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt được kết quả tích cực. Nhờ đó, năm 2017, so với năm 2016, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc. Đây là các thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
Thế còn với ASW thì sao, thưa ông?
ASEAN là một trong 5 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động thương mại với thị trường ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.
ASW là môi trường trong đó NSW của các quốc gia ASEAN hoạt động và tích hợp với nhau. Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã trao đổi thông tin C/O mẫu D với Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Tính đến ngày 10/6/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.
Việt Nam đang phối hợp với Campuchia, Philippines, Brunei thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN.
Hội nghị được tổ chức vào ngày mai sẽ tập trung xử lý những nội dung gì?
Không thể phủ nhận nỗ lực của các bộ, ngành trong việc triển khai NSW, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả triển khai NSW còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, nếu quý II/2015, có 82.760 mặt hàng xuất nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý và kiểm tra chuyên ngành (do các bộ, ngành thực hiện), thì đến quý I/2018 vẫn còn 78.390 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Số lượng thủ tục triển khai NSW còn thấp so với yêu cầu, việc triển khai NSW vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông quan NSW, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến; vẫn còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp. Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý…
Để xử lý những vấn đề trên và hàng loạt nội dung khác, sau Hội nghị nêu trên, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định Quy định thực hiện thủ tục hành chính theo NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
Trong năm 2018, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018 là phải cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ 25 - 27% hiện nay xuống dưới 10%.