TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam |
Ngoại trừ năm 2022, GDP tăng 8,02% do năm 2021 tăng quá thấp (tăng 2,58%), thì tốc độ tăng trưởng 6,8-7,0% là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ông nghĩ thế nào về mục tiêu này?
Nếu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8-7,0% trong năm nay thì đúng là kỳ tích. Tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023), khi hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu vào guồng, tăng trưởng mạnh trở lại, khác với bối cảnh 9 tháng đầu năm, Quốc hội dù rất lạc quan, cũng chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5%. Mục tiêu tăng 6,8-7,0% là rất cao, nhưng Chính phủ còn phấn đấu tăng cao hơn để hoàn thành chỉ tiêu duy nhất trong số 15 chỉ tiêu đặt ra cho năm nay có khả năng không hoàn thành (nếu GDP tăng dưới 7%), đó là thu nhập bình quân đầu người.
Số liệu vừa được Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là cơ sở để tin rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8-7,0% là có cơ sở. Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng sau tốt hơn tháng trước, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,87%; quý II tăng 7,09%; quý III tăng 7,4%).
Cùng với đó, các cân đối lớn được bảo đảm. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, tạo dư địa thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, ứng phó với những biến động phát sinh. Lạm phát trong vòng kiểm soát. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh (tính đến ngày 15/10/2024 đạt 610,570 tỷ USD, tăng 16%; xuất siêu 21,24 tỷ USD)...
Đây là quyết tâm chính trị, nhưng diễn biến 3 tháng cuối năm rất khó lường do những bất ổn từ bên ngoài?
Là một nền kinh tế mở, nên bất ổn kinh tế, chính trị, chiến tranh cục bộ từ bên ngoài tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, Chính phủ luôn chủ động trong điều hành để giảm tối đa tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội mà bên ngoài đem lại.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đưa ra các nguyên tắc điều hành trong năm nay (được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp, hội nghị, diễn đàn, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp). Đó là “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thực tế, đây không phải là những câu khẩu hiệu, mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương - nói rộng ra là cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân - đã và đang hành động quyết liệt. Kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo với Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám và các số liệu cụ thể đã được Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 10. Năm nay, khả năng kinh tế tăng trưởng 6,8-7,0% rất cao, là cơ sở, là tiền đề để hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra cho kế hoạch 2021-2026 và tạo nền tảng vững chắc để xây dựng kế hoạch 2026-2030, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Nói như vậy là cả nền kinh tế đang hừng hực khí thế trong 3 tháng cuối năm nay?
Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đang “vào phom”, thì cơn bão lịch sử Yagi bất ngờ ập vào, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân 26 tỉnh bị bão và hoàn lưu sau bão càn quét bị ảnh hưởng, nhiều tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với những gì mà cả nền kinh tế đã đạt được trong thời gian trước đó nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ngay sau bão, mọi hoạt động không chỉ trở lại bình thường, mà phục hồi mạnh mẽ.
Bất chấp bão Yaghi làm gián đoạn hoạt động sản xuất trong thời gian đổ bộ vào đất liền, Chính phủ vẫn tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Chính phủ đã phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” và “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”. Hai phong trào này là mũi tên trúng nhiều đích, vừa thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa tạo tiền đề, nền tảng để kinh tế phát triển vững chắc cho những năm sau, giải quyết an sinh xã hội và thể hiện quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo ông, điểm hỗ trợ mấu chốt để quý IV/2024 bứt phá nằm ở đâu?
Đó là hoạt động xuất khẩu. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (tính đến hết ngày 15/10/2024) đạt 315,91 tỷ USD, tăng 15,3%.
Với nền kinh tế mở như Việt Nam, thì xuất khẩu giữ vai trò đặc biệt quan trọng, bởi xuất khẩu tăng mới tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích người dân, doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư, từ đó tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Khi người lao động tăng được thu nhập, sẽ kéo doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng. Thị trường nội địa tăng quay trở lại khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư, tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm 50 điểm lãi suất điều hành, ngày 17/10 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất lần thứ ba kể từ đầu năm 2024 đến nay - lần đầu tiên ECB giảm lãi suất liên tiếp trong 13 năm, báo hiệu sự thay đổi trọng tâm từ việc chống lạm phát sang kích thích tăng trưởng kinh tế cho Eurozone.
Hoa Kỳ và EU là 2 trong số 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Khi lãi suất ở những thị trường này giảm, sẽ kích thích đầu tư, khuyến khích tiêu dùng và Việt Nam được hưởng lợi vì 2 thị trường này hiện chiếm trên 42,55% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khi Fed và ECB giảm lãi suất, sẽ tạo ra xu hướng cho các nền kinh tế lớn có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của nước ta, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh quốc..., giảm lãi suất, tạo ra làn sóng đầu tư và tiêu dùng, là cơ hội để Việt Nam tăng tốc trong hoạt động xuất khẩu.
Thưa ông, nhu cầu đầu tư, chi tiêu tăng sẽ tạo ra áp lực lên kiểm soát lạm phát, đặc biệt khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tăng 4,8% giá bán lẻ điện?
Dù lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và lương tối thiểu vùng đồng loạt tăng từ ngày 1/7/2024, nhưng 9 tháng đầu năm, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,88%. Với kết quả này, kể cả giá bán lẻ điện vừa tăng, nhưng trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn tự tin khẳng định, lạm phát năm nay chỉ tăng trong khoảng 4 - 4,5%.
Đúng là áp lực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của khu vực tư nhân và doanh nghiệp gia tăng - đây là quy luật của nền kinh tế Việt Nam. Nắm được quy luật này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, mất cảnh giác với lạm phát, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không tăng lãi suất cho vay để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Fed hạ 50 điểm lãi suất điều hành, ECB liên tiếp hạ 3 lần lãi suất khiến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng, tạo áp lực lạm phát trên thế giới. Song Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu như đã nói, mà còn giúp kiểm soát lạm phát vì giảm áp lực tỷ giá lên VND so với USD và euro; hỗ trợ đáng kể để giữ, thậm chí có thể giảm lãi suất, qua đó giảm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh.