Ngân hàng - Bảo hiểm
Cổ đông lớn ngân hàng đang chấp nhận mất vốn
Trần Mạnh - 16/05/2014 08:13
Quản lý yếu kém, đẩy ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản, phải mua bán, sáp nhập (M&A), nhiều cổ đông lớn của các ngân hàng đang phải chấp nhận mất vốn, trả giá cho sự yếu kém của mình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sẽ có thêm hơn chục ngân hàng tham gia sáp nhập
Xu hướng mới trong sáp nhập ngân hàng
Maritime Bank sáp nhập MDB với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1
PG Bank thừa nhận sáp nhập để “né” thoái vốn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia tiết lộ, hiện thương vụ Tập đoàn UOB (Singapore) mua lại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GP Bank) đã gần như hoàn tất và GP Bank sắp trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Tuy giá cả thương vụ chưa được tiết lộ, song theo chuyên gia trên, số tiền mà các cổ đông lớn của GP Bank nhận về là không nhiều.

   
  GP Bank là một trong 9 ngân hàng yếu kém nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt đầu tiên  

“GP Bank là một trong 9 ngân hàng yếu kém nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt đầu tiên. Có thời điểm, đây chỉ còn là ngân hàng rỗng, nợ xấu cao hơn cả vốn điều lệ. Do đó, khi bán GP Bank, các cổ đông phải chấp nhận mất một phần vốn để bù đắp những mất mát này. Các đối tác mua lại GP Bank tất nhiên cũng không dại gì trả giá cao, bởi mua lại GP Bank đồng nghĩa với việc phải gánh theo một khoản nợ không nhỏ”, vị chuyên gia trên nói.

Không chỉ GP Bank, nhìn lại những thương vụ M&A, hay tự tái cơ cấu thời gian qua có thể thấy, không ít cổ đông lớn các ngân hàng đã buộc phải “cắn răng” chấp nhận mất vốn, hy sinh một phần vốn để đền bù những tổn thất của ngân hàng, như Habubank, WesternBank, Navibank, Trustbank…

Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, thường những ngân hàng buộc phải sáp nhập, hợp nhất là những ngân hàng đã bị phá sản về mặt kỹ thuật, nợ xấu ăn mòn vốn chủ sở hữu. Do đó, khi tiến hành M&A, các cổ đông lớn đương nhiên phải chấp nhận mất một phần vốn.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, 3.000 tỷ đồng mua một ngân hàng yếu kém không phải là đắt. Tuy nhiên, sẽ là quá đắt nếu ngân hàng đó có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nhưng nợ xấu lại lên đến cả chục ngàn tỷ đồng.

“Hiện nay, nợ xấu của nhiều ngân hàng lớn hơn cả vốn điều lệ. Dù ngân hàng vẫn báo lãi, song nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chắc chắn không chỉ lợi nhuận, mà vốn điều lệ của ngân hàng đó cũng bị ăn mòn”, TS. Thành nói.

Chia sẻ nhận định của các chuyên gia, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, nhiều ngân hàng yếu đã đặt vấn đề sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng này, song điều kiện sáp nhập lại như “ngôi sao”.

“Nhiều ngân hàng dù lỗ khủng, nợ xấu cao, nhưng vẫn đưa ra mức giá trên trời. Với các ngân hàng này, bán giá 0 đồng vẫn là đắt, bởi người mua phải gánh thêm hàng ngàn tỷ đồng tiền lỗ và nợ xấu. Tôi cho rằng, để cứu ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản, lãnh đạo các ngân hàng yếu cần nhìn nhận đúng sức khỏe của mình mới mong tìm được lối thoát”, vị chuyên gia trên nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng yếu kém đã được tái cơ cấu, song ngân sách chưa phải bỏ ra đồng nào để bù đắp. Nói cách khác, cổ đông mới và cũ của các ngân hàng này đang phải đứng ra bù đắp những tổn thất mà các ngân hàng gặp phải trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh việc yêu cầu các cổ đông lớn phải bù đắp tổn thất do quản lý yếu kém gây ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần làm rõ sức khỏe của các ngân hàng hậu sáp nhập.

Thoái vốn làm gia tăng sở hữu chéo?

(Baodautu.vn) Một khi phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng được bán lại, sở hữu chéo có thể sẽ phức tạp hơn.  

Tin liên quan
Tin khác