Ngân hàng tấp nập lên lịch ĐHĐCĐ
Thời điểm này, nhiều ngân hàng đã lên lịch ĐHĐCĐ và thông báo rộng rãi tới các nhà đầu tư. Khác với các năm trước, năm nay, mùa ĐHĐCĐ của ngành nóng ngay từ khi chưa bắt đầu, bởi ước tính có 6-8 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra, kéo theo quyền lợi của cổ đông sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, lãnh đạo các ngân phải trình phương án thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng |
Ngày 28/3/2015, Ngân hàng LienVietPostBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, thời gian chốt danh sách cổ đông là ngày 25/2/2015. Trước đó, Nam A Bank cũng cho biết chốt danh sách dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 là ngày 10/2 (dự kiến ĐHCĐ vào ngày 27/3).
Một số ngân hàng khác thông báo sẽ tiến hành ĐHĐCĐ vào tháng 4/2015 gồm Eximbank (ngày 22/4), Vietcombank (ngày 24/4), BIDV (ngày 17/4), VietinBank (ngày 14/4), Sacombank (ngày 21/4)…
Hầu hết các ngân hàng công bố lịch ĐHĐCĐ sớm đều “dính” tới nghi án M&A. Cụ thể, dư luận đang nghi ngờ về khả năng Nam A Bank sáp nhập Eximbank, Vietcombank sáp nhập SaigonBank, VietinBank sáp nhập PGBank, BIDV sẽ sáp nhập một ngân hàng phía Nam…
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình hy vọng, trong năm 2015, sẽ xử lý 6-8 ngân hàng.
Năm 2014, mùa ĐHĐCĐ của ngành ngân hàng nóng lên bởi 2 thương vụ sáp nhập đình đám được thông qua là MaritimeBank - MDB và Sacombank - SouthernBank. Hiện 2 thương vụ này vẫn chưa thành, song chắc chắn, sự trì hoãn không còn lâu.
Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2014 tại NHNN Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, nếu năm 2013-2014, việc thực hiện tái cơ cấu là tự nguyện, thì đến năm 2015 sẽ là bắt buộc. Trong đó, sẽ bắt đầu bằng thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank.
M&A và thoái vốn
Dù lịch ĐHĐCĐ năm nay chưa được ngân hàng công bố hết, song sự quan tâm đang dồn vào một số ngân hàng.
Thương vụ đầu tiên gây chú ý là Eximbank - NamABank. Việc 2 ngân hàng này đang “tìm hiểu” nhau đã được Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh xác nhận. Tuy nhiên, điều bất ngờ là, trong thương vụ này, Eximbank mới là bên bị sáp nhập.
Trước đó, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, ngân hàng này có kế hoạch sáp nhập, song việc sáp nhập này do Nam A Bank hoàn toàn chủ động. Nam A Bank cũng lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 6/2015.
Trong khi đó, nhiều năm gần đây, Eximbank liên tục rơi vào tình trạng sụt giảm lợi nhuận. Năm 2014, Eximbank chỉ lãi 56 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch lợi nhuận (riêng quý IV/2014, Eximbank lỗ 678 tỷ đồng).
Thương vụ được đồn đoán tiếp theo là DongA Bank - ABBank, kẻ bị thâu tóm là DongA Bank sau 2 năm gặp nhiều khó khăn. TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank thừa nhận, hai bên đang tìm hiểu nhau, nhưng chưa chốt phương án cuối cùng. Kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ năm nay cũng chưa được hai ngân hàng này công bố.
Trước đó, từ đầu năm 2015, một loạt ngân hàng lớn cũng dính vào “nghi án” M&A. Cho đến nay, phương án sáp nhập SaigonBank với Vietcombank gần như đã “hai năm rõ mười”, song hai bên chưa đưa ra bình luận nào. Trước đó, nguồn tin của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, Thống đốc NHNN đã xác nhận việc phê duyệt về mặt chủ trương cho phép Vietcombank sáp nhập với SaigonBank, thương vụ có thể diễn ra trong quý III hoặc quý IV năm nay.
Về phía VietinBank, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã khẳng định sẽ sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập PGBank, xóa tan lời đồn đoán bấy lâu. Riêng trường hợp M&A của BIDV vẫn là dấu chấm hỏi.
Với BIDV, VietinBank, Vietcombank, việc sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ không chỉ thể hiện nghĩa vụ tái cơ cấu hệ thống của một “anh cả”, mà còn để hiện thực hóa tham vọng trở thành ngân hàng có quy mô đạt tầm khu vực. Và cách lớn nhanh nhất, đối với các ngân hàng này, chính là giải pháp M&A.
Với hai cặp ngân hàng tốn nhiều giấy mực năm 2014 là MaritimeBank - MDB và Sacombank - SouthernBank, mùa ĐHĐCĐ năm nay chắc chắn sẽ rất nóng, bởi các cổ đông muốn biết tại sao thương vụ bất thành, dù NHNN đã chấp thuận về chủ trương. Hiện mới có Sacombank công bố lịch ĐHĐCĐ năm 2015, dự kiến diễn ra vào ngày 21/4.
Bên cạnh M&A, theo phán đoán của các chuyên gia, trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, lãnh đạo các ngân hàng sẽ trình phương án thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng. Bởi theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các ngân hàng chỉ được sở hữu tối đa cổ phần tại 2 tổ chức tín dụng, mức sở hữu không quá 5%, thời hạn thoái vốn là 1 năm.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, Vietcombank đang lên kế hoạch thoái 8% vốn tại Eximbank; Eximbank lên kế hoạch thoái vốn tại Sacombank… Khả năng, các kế hoạch này sẽ được trình ĐHĐCĐ năm nay.
Hà Tâm