Nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua nợ xấu
Thùy Liên - 13/04/2015 08:11
Trả lời câu hỏi của báo Đầu tư, ông Keithe Pogson, lãnh đạo cấp cao Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young (EY) khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rõ rệt đến nợ xấu Việt Nam, vấn đề là giá bán nợ có hấp dẫn hay không.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thêm quyền năng để VAMC thổi bay nợ xấu
Nợ xấu chuẩn bị... xấu thêm?
Cho VAMC phát hành trái phiếu mua nợ xấu
Không dùng ngân sách tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Áp chỉ tiêu bán nợ xấu là cần thiết
 

Trả lời Báo Đầu tư trước đây, ông từng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm mua nợ xấu Việt Nam. Vậy thời điểm này, ông đánh giá mức độ quan tâm ấy như thế nào? Từ 5/4/2015, VAMC được mua nợ theo giá thị trường, điều này có khiến thị trường mua bán nợ sôi động?

Việc Chính phủ sửa đổi một số quy định về hoạt động của VAMC là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là việc làm khó khăn. Tôi đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc với các ngân hàng và các cơ quan xử lý nợ xấu ở nhiều quốc gia.

Tôi cho rằng, việc cho phép VAMC được mua  nợ xấu theo thị trường là không hấp dẫn. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, sự quan tâm đối với nợ xấu Việt Nam là rất rõ rệt, nhưng việc mua hay không thì phải phụ thuộc vào giá bán nợ. Nếu nợ xấu được bán dưới giá thị trường, nhà đầu tư sẽ rất quan tâm.

Đối với nhà đầu tư, không có tài sản xấu mà chỉ có giá mua tài sản đó cao hay thấp.

Vậy theo ông, đơn vị nào sẽ đưa ra mức giá thị trường cho các khoản nợ xấu?

Chính thị trường sẽ đặt ra giá thị trường cho tài sản nợ xấu. Có một kinh nghiệm từ các nước trong xử lý nợ xấu bằng bất động sản là tổ chức các cuộc đấu giá. Tại Trung Quốc, theo thống kê, giá thị trường của tài sản nợ xấu thường thấp hơn 30% so với giá mà các tổ chức định giá đưa ra.

Bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm mua nợ xấu Việt Nam thì thời gian gần đây, các ngân hàng nước ngoài cũng ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Theo ông, các ngân hàng Việt Nam cần phải làm gì để cạnh tranh với các đối thủ ngoại?

Năm 2015, dự kiến Cộng đồng kinh tế chung Asean (AEC) sẽ được hình thành. Đến năm 2020, Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực ngân hàng. Theo tôi, để cạnh tranh với các nhà băng ngoại, Việt Nam phải có những ngân hàng đủ mạnh. Malaysia đã có 2 ngân hàng còn Singapore có tới 3 ngân hàng lớn tầm cỡ khu vực.  

Còn 5 năm nữa tự do trong lĩnh vực ngân hàng mới hoàn tất, theo tôi, các ngân hàng Việt Nam vẫn còn thời gian để nỗ lực và tranh thủ giải quyết một số vấn đề. Ví dụ, cần có biện pháp để hỗ trợ VAMC có khả năng xử lý nợ xấu chứ không chỉ dừng lại ở việc mua vào rồi nắm giữ.  Tăng cường hợp nhất, sáp nhập. Thêm vào đó, cần nâng cao chuẩn mực hoạt động của các ngân hàng trong nước.

Trước đây, trong khủng hoảng tài chính 2007-2008, người ta thường nói “ngân hàng quá lớn để có thể đổ vỡ”. Tuy nhiên, hiện nay, phải đặt ra cả vấn đề “ngân hàng quá nhỏ để có thể thành công”. Bởi đơn giản, chỉ khi có quy mô lớn, ngân hàng mới đủ sức đầu tư nhiều vào công nghệ, sản phẩm, phủ rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ... và có lợi nhuận tốt hơn.

Vậy ông đánh giá như thế nào về làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng tại Việt Nam thời gian gần đây và mục tiêu rút gọn số lượng ngân hàng xuống còn 15-17 ngân hàng như NHNN đưa ra?

Như tôi đã nói, Việt Nam cần những ngân hàng lớn, tầm cỡ khu vực thì mới đủ sức cạnh tranh. Mặt khác, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6% hiện nay thì tín dụng phải tăng gấp 1,5-2 lần GDP (tương đương khoảng 9-15%), cũng đồng nghĩa với việc cần những ngân hàng đủ lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, trong tương lai, các ngân hàng sẽ phát triển theo xu hướng giảm dần chi nhánh, phòng giao dịch mà tập trung phát triển ngân hàng công nghệ, và chỉ ngân hàng lớn mới có khả năng đầu tư công nghệ. Chính vì vậy, những động thái và quyết tâm thúc đẩy M&A vừa qua của NHNN, nhằm tạo nhiều ngân hàng lớn hơn, khỏe mạnh hơn là hoàn toàn đúng đắn.

Nhìn ra thế giới, những thị trường có lĩnh vực ngân hàng phát triển thì mỗi quốc gia cũng chỉ có 2-5 ngân hàng lớn. Tất nhiên, để đạt con số đó, các ngân hàng ở Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã trải qua nhiều làn sóng mua bán, sáp nhập. Mục tiêu của NHNN đặt ra là thời gian tới là giảm số lượng từ gần 40 ngân hàng xuống còn 15 ngân hàng, vậy các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm của Malaysia: 20 năm trước đây, Malaysia có khoảng 40 ngân hàng nhưng hiện quốc gia này chỉ còn 10 ngân hàng.

Với quy mô thị trường Việt Nam hiện nay, theo tôi chỉ cần 5 ngân hàng trụ cột quốc gia là đủ. Tất nhiên, vẫn nên có các ngân hàng phục vụ thị trường ngách, thị trường chuyên biệt. Trong vòng 5-10 năm tới, đầu tư phát triển hạ tầng là nhu cầu lớn nhất của mọi quốc gia, nhất là tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không có ngân hàng đủ lớn, đủ tầm để thu xếp được những nguồn vốn này thì sẽ rất khó phát triển kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác