Thời sự
Có hành vi bạo lực gia đình có thể phải lao động phục vụ cộng đồng 3 ngày
Nguyễn Lê - 16/08/2022 15:07
Ủy ban Xã hội đề xuất biện pháp mới để răn đe người có hành vi bạo lực gia đình, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về tính khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

 

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề của Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban đã đề xuất bổ sung điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” tại dự thảo mới nhất.

Quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết, bà Thuý Anh nói.

Theo cơ quan thẩm tra , qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Điều 33 Dự thảo luật quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các công việc phục vụ cộng đồng bao gồm: trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Dự thảo luật cũng quy định, chủ tịch UBND xã là người ra quyết định và tổ chức biện pháp thực hiện; thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật  Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần phải có sự đánh giá tác động của chính sách mới trên, bởi vì biện pháp này giao cho chính quyền cấp xã bảo đảm thực hiện.

"Mặc dù không nói là cưỡng bức lao động, nhưng cũng có ý nghĩa là buộc người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện thì tính khả thi của biện pháp này ở chính quyền cấp xã, vậy cách thức triển khai như nào", ông Tùng băn khoăn.

Đồng ý với phân tích này, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh băn khoăn,  Điều 33 có quy định là "việc quy định thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày". Vậy cần làm rõ là có quy định số lần hay không và nếu không thì lý do tại sao?

Nhấn mạnh quy định ở điều 33 là vấn đề mới nên cần đánh giá kỹ tác động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần phải tiếp tục rà soát kỹ để đảm bảo quy định này tương thích với các điều ước quốc tế, nhất là Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

"Các đồng chí viện dẫn liên quan đến Luật Thi hành án hình sự có nội dung hình phạt cải tạo không giam giữ tương tự như thế này, nhưng một bên là quyết định của tòa án, một bên là quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn", Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải quy định để đảm bảo tính khả thi. Bởi vì có thể nhiều trường hợp vi phạm ở dưới cơ sở, địa phương nhưng lại không việc ở địa phương mà ở Bộ nào đấy chẳng hạn..

"Ngày nghỉ về nhà thì ông bạo hành vợ con, nhưng ông thường xuyên ở cơ quan ở Hà Nội. Đôi khi lao động người ta cũng không ngại, nhưng nếu có thông báo vi phạm cho các tổ chức, cơ quan quản lý người ta, như thế còn ngại hơn.", Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Về tổ chức thực hiện, ông Vương Đình Huệ lưu ý cần đảm bảo tính khả thi. "1 ông đi làm, 2 ông đi trông thì lấy đâu người đi trông, 1 tiền gà 3 tiền thóc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Vì là chính sách mới, cho nên phải nghiên cứu kỹ, nên lấy ý kiến đại biểu chuyên trách thêm, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.

Tin liên quan
Tin khác