Bài học từ Thái Lan
Không xây dựng bất cứ thương hiệu ô tô nào của riêng mình, nhưng ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan khiến nhiều nước thèm muốn, bởi quy tụ được hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới.
Sau hơn 50 năm phát triển, Thái Lan hiện có 17 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, nhưng có tới 2.400 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện, công nghiệp hỗ trợ.
Việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam |
Với dân số hơn 60 triệu người, kém xa so với Việt Nam, nhưng lượng xe ô tô sản xuất tại Thái Lan đạt 2,1 - 2,4 triệu chiếc/năm, thuộc Top 10 nước sản xuất ô tô lớn nhất và bỏ xa mức 200.000 - 300.000 xe/năm của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô không chỉ được Thái Lan theo đuổi. Trong khu vực ASEAN, Malaysia, Indonesia hay Việt Nam cũng rất kỳ vọng có được ngành công nghiệp như vậy.
Tại Indonesia, công nghiệp ô tô gần đây tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng bình quân đạt 20%/năm, sản lượng và doanh số bán hàng vào năm 2013 đã đạt trên 1,2 triệu xe. Để kích thích phát triển sản xuất trong nước với một thị trường rộng lớn hơn 300 triệu dân, tại Quy hoạch Phát triển kinh tế Indonesia giai đoạn 2011 - 2015 (MP3EI) được công bố tháng 5/2011, Chính phủ nước này đã xác định, công nghiệp ô tô là ngành có vai trò cốt lõi trong phát triển kinh tế đất nước.
Malaysia cũng không bỏ qua cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô khi xây dựng thương hiệu nội địa cho riêng thị trường này. Tuy nhiên, sau khoảng 20 năm phát triển, các thương hiệu nội địa của Malaysia vẫn đứng trước nguy cơ bị lấn sân bởi các thương hiệu quốc tế.
Khác với Thái Lan và Indonesia, tại Philippines, công nghiệp ô tô với dung lượng thị trường xấp xỉ 200.000 xe/năm đã bị chiếm lĩnh phần lớn bởi xe nhập khẩu do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN và các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do khác rất thấp, trong khi sản xuất trong nước trì trệ do thiếu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Điều này đã khiến các nhà sản xuất nước ngoài đóng cửa những dây chuyền sản xuất, lắp ráp ở Philippines và chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực.
Việt Nam với dân số hơn 93 triệu người cũng được xem là thị trường tiêu thụ rất lớn. Năm 2014, Việt Nam có 13 nhà sản xuất lắp ráp ô tô, nhưng chỉ có khoảng 160 công ty cung cấp phụ tùng, linh kiện. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ngóng chờ các chính sách đột phá từ phía Chính phủ để quyết định mở rộng sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu, thì cũng có các doanh nghiệp nội địa có những chiến lược đột phá trong giai đoạn 2015-2018, nhằm tạo ra sức cạnh tranh với các nước khác trong ASEAN.
Cơ hội cho sản xuất ô tô trong nước
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Ô tô Trường Hải cho hay, kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy, khi có các chính sách phát triển phù hợp (trong đó có kiểm soát xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo vệ sản xuất, lắp ráp trong nước) và thị trường trong nước đủ lớn, công nghiệp ô tô sẽ mang lại những lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế, xã hội và trình độ khoa học - công nghệ.
Với thực tế năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam được giảm về 0%, Việt Nam chỉ còn hơn 1 năm để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp ô tô trong nước. “Nếu không tận dụng được cơ hội ngắn ngủi này, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tương tự Philippines vài năm trước, khi thị trường đang phát triển, chính sách không rõ ràng, khiến các nhà sản xuất lắp ráp rút khỏi thị trường để chuyển sang nhập khẩu. Đến khi nhu cầu tiêu dùng ô tô bùng nổ, ô tô nguyên chiếc sẽ được nhập khẩu về để đáp ứng nhu cầu trong nước, gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng, ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí sẽ không đạt mục tiêu đã đề ra. An sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng do người lao động mất việc làm”, ông Dương nhận định.
Tổng mức đầu tư cho công nghiệp ô tô của Trường Hải tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải kể từ năm 2002 đến tháng 10/2016 là khoảng 32.000 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD và 5 dòng xe được cung cấp ra thị trường gồm xe bus, xe tải và các thương hiệu xe con là Mazda, Kia và Peugeot.
“Chúng tôi lựa chọn các thương hiệu quốc tế chưa có nhà máy tại khu vực ASEAN hoặc đang muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này để cùng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, nhắm tới cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo”, ông Dương nói.
Theo kế hoạch tăng tốc đầu tư tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải giai đoạn 2016 -2018, Trường Hải có kế hoạch đầu tư mới 30.470 tỷ đồng cho xây mới và mở rộng các nhà máy ô tô, sản xuất phụ kiện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển..., trong kế hoạch này, hoạt động đầu tư được triển khai chủ yếu trong năm 2017 và 2018, với hơn 24.000 tỷ đồng. Mục tiêu là tới năm 2018, Trường Hải sẽ có 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy công nghiệp phụ trợ, 5 doanh nghiệp logistics và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, hậu cần. Cùng với hoạt động đầu tư chiều sâu này, số lao động trong chuỗi giá trị của Trường Hải sẽ tăng từ 60.000 người hiện nay sẽ tăng lên 150.000 người sau năm 2018. Số doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện cũng sẽ được mở rộng mạnh mẽ.
Không chỉ có Trường Hải, Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cũng vừa đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) trong việc thành lập liên doanh lắp ráp ô tô tại Ninh Bình. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho hay, liên doanh sẽ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, còn phân phối vẫn do Hyundai Thành Công nắm.
Với thỏa thuận mới này, một tổ hợp sản xuất ô tô với quy mô vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng và tạo ra việc làm cho hơn 8.000 lao động sẽ được hình thành tại Ninh Bình, vừa cung cấp xe Hyundai cho thị trường nội địa, đồng thời xuất khẩu sang các nước ASEAN khác mà Hyundai chưa có cơ sở sản xuất.