Một góc TP. Nha Trang. |
Nha Trang hội đủ mọi điều kiện để trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ thế giới với điểm nhấn là vịnh Nha Trang - một trong 29 vịnh biển đẹp nhất hành tinh. Nhìn từ chiến lược mở rộng không gian đô thị, nhà đầu tư hướng về phía Tây - nơi địa phương đang giải quyết nhu cầu giãn dân, hoặc tập trung phát triển về phía Bắc - khu vực đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch và nghỉ dưỡng... Đây là yếu tố được giới đầu tư và chuyên gia đánh giá cao, bởi tính thanh khoản và khả năng sinh lời tốt khi đầu tư vào thành phố này.
Từ không gian đô thị mở…
Theo ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, về định hướng, hệ thống trung tâm đô thị của TP. Nha Trang sẽ bao gồm các trung tâm chuyên ngành như Khu trung tâm hành chính Thành phố (tiếp tục duy trì ở vị trí hiện nay); Khu trung tâm văn hóa ven biển, đường Trần Phú; Khu trung tâm thể dục - thể thao tại xã Phước Đồng; Trung tâm giáo dục - đào tạo tại xã Vĩnh Ngọc, xã Phước Đồng… Các khu trung tâm đa chức năng, trung tâm thương mại là những tuyến phố thương mại đóng góp quan trọng vào hoạt động và chức năng dịch vụ của đô thị. Ngoài ra, có 2 khu vực trọng điểm mới là khu vực sân bay Nha Trang hiện nay và khu vực trong khu đô thị hành chính, sinh thái tại phía Tây sông Quán Trường - phía Nam đường Phong Châu.
Lãnh đạo TP. Nha Trang cho biết, kiến trúc đô thị được định hướng theo nguyên tắc tập trung phát triển đô thị du lịch vươn lên tầm quốc tế; tạo bản sắc đô thị từ đặc điểm cảnh quan thiên nhiên, bao gồm: hệ thống mặt nước biển - vịnh - sông, khu vực đồng trũng, núi - đảo, đồng bằng ven biển, các khu vực sinh thái nông nghiệp; phát triển cấu trúc đô thị phù hợp với điều kiện văn hóa - xã hội; nâng cấp, cải tạo và khai thác các khu đô thị hiện hữu; tăng cường khả năng giao lưu và sức hấp dẫn của đô thị du lịch, thông qua hệ thống không gian công cộng, quảng trường.
Cảnh quan đô thị Nha Trang được chia thành nhiều vùng khác nhau, như Khu vực sinh thái đầm trũng phía Nam đường Phong Châu, Khu đô thị du lịch dọc bờ Nam sông Cái, Khu vực sân bay Nha Trang hiện nay, Khu đô thị bờ Bắc sông Cái, Khu đô thị phía Bắc núi Sạn - Nam núi Cô Tiên, Khu vực phường Phước Tiến, Khu trung tâm đô thị hiện hữu, Khu đô thị Nam sân bay - Bắc sông Quán Trường, Khu vực Nam Nha Trang, Khu vực Tây Nha Trang, Dải đô thị và công viên dọc bờ biển Nha Trang, Khu vực vịnh Nha Trang. Trong đó, các điểm nhấn cảnh quan và không gian mở là các công trình điểm nhấn về chiều cao tại khu trung tâm ven biển, khu đô thị mới tại khu sân bay Nha Trang, khu đô thị sinh thái Đồng Bò, các đỉnh núi ven nội thành và trong đô thị; các trục đô thị tạo tầm nhìn với cảnh quan núi, cảnh quan đô thị hướng sông, hướng biển hoặc hướng xuống khu vực đồng trũng…
Theo dự báo của ngành du lịch Khánh Hòa, năm 2019 tỉnh đặt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách du lịch đến Nha Trang, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế; mục tiêu đến năm 2020 đạt con số 8 triệu lượt khách và 16 triệu lượt khách vào năm 2030. Đây là một trong những yếu tố then chốt tạo đà tăng trưởng kinh tế cho Nha Trang, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư thuộc phân khúc du lịch - nghỉ dưỡng trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng đang đẩy mạnh phát triển để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Nhờ vị thế trọng điểm trong chiến lược phát triển của tỉnh, dòng vốn đầu tư đổ về Nha Trang chắc chắn sẽ tăng mạnh. “Thừa hưởng chủ yếu dòng vốn lớn này là 2 khu vực trọng điểm phía Tây và Bắc Nha Trang. Nếu phía Tây được mở rộng để giải quyết nhu cầu giãn dân, đô thị hóa, thì phía Bắc được xem là trung tâm của quy hoạch du lịch nghỉ dưỡng, vốn là điểm nhấn kinh tế của toàn Thành phố. Chính vì thế, hiện nay và trong tương lai gần, Nha Trang vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”, ông Trần Minh Hải, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa nhấn mạnh.
Khu vực phía Tây TP. Nha Trang được mở rộng để giải quyết nhu cầu giãn dân. Ảnh: Việt Hương |
…đến cơ hội “đón sóng” của nhà đầu tư
Với bối cảnh hiện nay của thị trường, các chủ đầu tư đua nhau tìm các vị trí đẹp tại các khu du lịch của miền Trung để tiến hành xây dựng dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Một trong số những khu vực được săn đón nhất là Nha Trang - thành phố biển nổi tiếng của miền Trung Việt Nam.
Phía Bắc Nha Trang phần lớn là các khu du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, được quy hoạch thấp tầng nên càng có lợi thế trong cuộc đua giành thị phần đầu tư. Những tiềm năng thấy rõ sẽ là cơ hội để giới đầu tư quan tâm.
Có nhiều lý do để tin rằng, với dòng vốn ồ ạt đổ vào Bắc Nha Trang trong thời gian sắp tới, nơi đây sẽ dần trở thành “trung tâm mới” của Thành phố. Lợi thế địa hình vừa núi, vừa biển, lại nắm bắt được xu hướng của thị trường, nên chỉ trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, Bắc Nha Trang đã có nhiều thay đổi vượt bậc khi hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ.
Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tham gia phát triển đô thị theo quy hoạch, thông qua các dự án đầu tư cải tạo, phát triển các khu chức năng đô thị, với các quy mô khác nhau, phù hợp với năng lực của các chủ đầu tư.
Tổng diện tích đất tự nhiên trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 26.547 ha. Diện tích đất xây dựng đô thị hiện trạng năm 2010 là 2.706 ha (trung bình 93 m2/người). Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị đến năm 2015 đạt khoảng 4.000 ha (trung bình 121 m2/người), đến năm 2025 khoảng 5.500 ha (trung bình 122 m2/người.
Sở hữu tài nguyên thiên nhiên mang tầm cỡ quốc tế, Nha Trang là đô thị trung tâm của tỉnh Khánh Hòa, đóng vai trò quan trọng chủ đạo đối với tương lai phát triển của toàn tỉnh. Việc điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển TP. Nha Trang không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa, mà còn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên khu vực.