Đây là một trong những tác động của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao đổi về vấn đề này.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, từ nay đến năm 2029, các ngân hàng phải giảm giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng từ mức 15% và 25% hiện nay xuống còn 10% và 15%. Điều này có làm giảm khả năng cung ứng vốn cho doanh nghiệp của ngân hàng?
Có người cho rằng, việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Song chúng ta phải thấy là, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đang rất lớn, tỷ lệ cho vay 10-15% vốn tự có là con số không hề nhỏ. Theo tôi, mèo nhỏ thì nên bắt chuột nhỏ, đừng tham bắt chuột lớn. Ngân hàng phải căn cứ vốn điều lệ của mình để lượng sức mình, cho vay ở tỷ lệ đảm bảo an toàn.
Tôi rất ủng hộ việc giảm giới hạn cấp tín dụng với một khách hàng/nhóm khách hàng, bởi trong hoạt động của tổ chức tín dụng, làm sao tránh tập trung vốn tín dụng vào một nhóm khách hàng và một khách hàng để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn. Hơn nữa, chúng ta đã có quy định cho vay đồng tài trợ thì tại sao với các dự án lớn không đặt ra vấn đề đồng tài trợ.
Tôi khẳng định, các dự án lớn nếu thực sự minh bạch, hiệu quả, thì dù vốn đầu tư có lên tới hàng tỷ USD, cũng không sợ thiếu vốn. Có điều là, doanh nghiệp cũng phải thay đổi, thay vì dựa vào một ngân hàng, cần minh bạch cho nhiều ngân hàng cùng đánh giá, cho vay. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng bắt tay nhau tài trợ vốn.
Với các doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp đang được ngân hàng cho vay ở giới hạn tối đa 15-25% vốn tự có của ngân hàng hiện nay, quy định trên ảnh hưởng ra sao? Liệu các doanh nghiệp này có phải giảm dư nợ để đáp ứng quy định pháp luật?
Việc giảm giới hạn cấp tín dụng chỉ áp dụng với các khoản vay từ ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, còn các khoản vay cũ vẫn thực hiện theo luật hiện hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là dịp để các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá lại tất cả khách hàng/nhóm khách hàng liên quan xem có rủi ro không, có yên tâm không. Nếu thấy tỷ lệ dư nợ quá lớn, thì cần tính toán để có giải pháp xử lý khi khoản vay đáo hạn.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, tập đoàn có nhiều công ty con tự đánh giá, cơ cấu lại, nếu cần thì phải tính tới sáp nhập, hay cắt giảm các dự án không hiệu quả. Trong trường hợp số vốn vay quá lớn, vượt giới hạn cho phép, doanh nghiệp cũng phải tính tới phương án mời ngân hàng khác cùng tài trợ, không thể dựa vào duy nhất một ngân hàng.
Như tôi đã nói, sợ nhất là doanh nghiệp không có dự án hiệu quả, không có khả năng trả nợ; còn nếu dự án hiệu quả, không sợ ngân hàng thiếu vốn để cho vay. Tất nhiên, với nhóm doanh nghiệp sân sau, quy định giảm giới hạn cấp tín dụng trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là vấn đề khó khăn, song đây là điều bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn.
Mặc dù đồng tài trợ là giải pháp tốt để ngân hàng chia sẻ rủi ro, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thị phần và khách hàng hiện nay, việc đồng tài trợ có vẻ không được ngân hàng mặn mà?
Các ngân hàng có thể rất muốn “độc chiếm” các khách hàng, doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngân hàng không nên tập trung “bỏ trứng vào một giỏ”, dồn quá nhiều vốn cho một khách hàng, một nhóm khách hàng. Với các dự án lớn, nên khuyến khích hình thức cho vay đồng tài trợ, Nhà nước cũng đã có cơ chế về vấn đề này. Cùng cho vay, cùng kiểm tra, cùng kiểm soát thì sẽ tăng minh bạch, giảm rủi ro. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải làm quen dần.
Tôi cho rằng, lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng được Luật Các tổ chức tín dụng đưa ra trong 5 năm là rất phù hợp, rất mong các ngân hàng thương mại sẽ phối hợp để thực hiện.
Việc ngân hàng phải giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng và nhóm khách hàng lớn sẽ tác động như thế nào tới thị trường vốn?
Giảm giới hạn cấp tín dụng có nghĩa doanh nghiệp phải làm việc với nhiều ngân hàng hơn để đồng tài trợ và cũng phải tìm đến các kênh tiếp cận vốn khác ngoài tín dụng ngân hàng. Điều này tiến tới đẩy mạnh và phát triển thị trường vốn một cách ổn định.
Ngân hàng huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, không đủ nguồn lực để đáp ứng mọi nhu cầu đầu tư vốn trung, dài hạn. Việc đòi hỏi ngân hàng đáp ứng tất cả nhu cầu vốn trung, dài hạn là không hợp lý, mà phải mở rộng ra các kênh huy động vốn khác, quan trọng nhất là huy động từ thị trường vốn.