Đầu tư
Cơ hội đổi thay ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Quang Hưng - 25/07/2016 16:11
Đã có quá nhiều khó khăn được chỉ ra trong quá trình phát triển gần 2 thập kỷ của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Nhưng sự thay đổi trong tư duy về một Chính phủ kiến tạo và phục vụ đang mang lại cơ hội phát triển mới cho Hòa Lạc trong thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

 

Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án đã có sự chuyển động mạnh mẽ.

Cơ hội trong tầm tay

Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao bằng các dự án có hàm lượng công nghệ cao như: Trung tâm phần mềm FPT Software, Đại học FPT, Trung tâm Công nghệ cao của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Viện khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc, Nhà máy sản xuất thiết bị y tế của Công ty liên doanh y học Việt - Hàn (Vikomed) hay hãng sản xuất linh kiện điện tử Noble của Nhật Bản...

Đến thời điểm hiện tại, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 72 dự án khoảng hơn 56 nghìn tỷ đồng với doanh thu xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm, tạo việc làm cho khoảng trên 10.000 người…

Đặc biệt, năm 2015, Dự án phát triển cơ  sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đã được khởi công. Đến nay, tiến độ xây dựng đang triển khai đúng lộ trình để sau 2 năm nữa (2018), Hòa Lạc sẽ mang trên mình một diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt bậc so với trước đây, theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao khoa học-công nghệ,.

Tiềm năng và cơ hội phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã được khẳng định với việc các tổ chức quốc tế hỗ trợ các nguồn lực tài chính cho xây dựng và phát triển; các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước, các trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã quan tâm và quyết tâm triển khai các hoạt động công nghệ cao tại đây.     

Các dự án đã đi vào hoạt động có tổng vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng.
“Được thành lập năm 1998, Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc là Khu CNC đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu tạo tiềm lực và động lực thúc đẩy phát triển KH&CN quốc gia. Đến nay, Khu CNC thực sự vẫn là một mô hình mới tại Việt Nam nên các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động, như ưu đãi đầu tư chưa hoàn thiện cũng như chưa theo kịp tình hình thực tế. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lạc chính là giải pháp mấu chốt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên”.

Tuy nhiên, những thay đổi trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư cũng đặt ra cho Bộ Khoa học và Công nghệ những yêu cầu mới trong công tác xây dựng, quản lý, vận hành và thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Với mô hình hoạt động và các nguồn lực hiện có, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc là đòi hỏi bức thiết để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của đất nước và các nhà đầu tư.

Cần một quyết tâm đủ mạnh

Trước những yêu cầu mới đặt ra cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc,  Chính phủ đã giao Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc trình Chính phủ thông qua. Qua nhiều lần bổ sung, hoàn thiện, lấy ý kiến tham vấn của các Bộ, ngành, TP. Hà Nội và đặc biệt là các nhà đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, hiện nay, Dự thảo Nghị định đã cơ bản hoàn thiện trình Chính phủ xem xét thông qua với 6 Chương và 31 Điều tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Một khi được Chính phủ thông qua, Nghị định sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi pháp luật; quy định các cơ chế đặc thù thực sự có tác dụng giải phóng tiềm năng phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong phạm vi hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, Nghị định cũng sẽ cho phép Ban quản lý và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trước những yêu cầu mới đặt ra cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc,  Chính phủ đã giao Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc trình Chính phủ thông qua theo hướng một cửa liên thông.

Nghị định cũng sẽ là văn bản pháp lý đủ mạnh, khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xác lập cơ chế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc; quy định về các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; mức độ, hình thức ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, mức độ tuỳ thuộc vào hàm lượng tri thức và khoa học công nghệ; sử dụng đất hiệu quả. Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trên cơ sở đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, lấy mục tiêu nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ của Việt Nam làm chủ đạo, không vì lợi ích kinh tế trước mắt để đảm bảo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, người lao động đến làm việc và sinh sống tại Khu CNC Hòa Lạc yên tâm công tác và cống hiến.

Trao đổi với chúng tôi về các nội dung của Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Horaguchi Hiroshi, Tổng giám đốc, Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam cho biết, cơ chế đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới; ươm tạo, đào tạo; chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm công nghệ cao của các nhà đầu tư. Cơ chế đặc thù sẽ góp phần giúp Hòa Lạc đạt đến mục tiêu xây dựng Khu trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, một thành phố khoa học.

Mục đích khi xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút các Dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao. Để các nhà đầu tư quyết định đầu tư, phải có những tiêu chí như cơ sở hạ tầng tốt; môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục thông thoáng và đầu tư ở địa bàn mà chi phí hoạt động hợp lý nhất. Bám vào các tiêu chí đó, chúng tôi thấy, đối với cơ sở hạ tầng thì đã được thực hiện bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và sẽ hoàn thành vào năm 2018. Như vậy, còn 2 điều kiện là cơ chế thông thoáng và chi phí đầu tư hợp lý. Xuất phát từ điều đó, Chính phủ đã chỉ đạo, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

“Việc sớm ban hanh cơ chế đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc là mong mỏi không của Noble chúng tôi mà của nhiều nhà đầu tư đang hướng đến Hòa Lạc. Tôi tin rằng, với sự ra đời của cơ chế đặc thù, Hòa Lạc sẽ thực sự phát triển đúng với tầm vóc và kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam”, ông Horaguchi nói.

Còn ông Yang Jae Kwan, Tổng giám đốc, Công ty liên doanh y học Việt - Hàn (Vikomed) thì cho rằng, có mặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ năm 2007, chúng tôi đã có quãng thời gian gắn bó đủ dài để hiểu nhà đầu tư trải qua khó khăn như thế nào và cần gì để phát triển. “Chúng tôi rất mong chờ sự ra đời của cơ chế đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc bởi nó sẽ giải quyết được những vấn đề mà bấy lâu Hòa Lạc đang vướng, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ để thực sự tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao”, ông Kwan nói.

Việc có một cơ chế quản lý thống nhất sẽ giúp Hòa Lạc có bước phát triển mới trong những năm tiếp theo.

Theo ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sự đồng thuận của các Bộ, ngành và địa phương trong việc tạo lập cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc là quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong hoạt động của cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Hòa Lạc, tạo xung lực cho Hòa Lạc phát triển nhanh, mạnh mẽ bù đắp lại khoảng thời gian nhiều khó khăn trước đây.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc gồm 6 Chương và 31 Điều quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn trong việc đầu tư xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Cơ chế phân cấp uỷ quyền và phối hợp với Ban Quản lý trong công tác quản lý nhà nước, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với Khu công nghệ cao trên các lĩnh vực; Cơ chế tài chính phục vụ công tác đầu tư xây dựng, phát triển và tổ chức hoạt động của Ban Quản lý; Chính sách ưu đãi đầu tư (tiền thuê đất, tiền GPMB, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê xuất nhập khẩu, nhà ở,...); Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú...
Tin liên quan
Tin khác