Sự kiện vừa diễn ra vào tuần trước, khi UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) để triển khai Nhà máy Giấy bao bì công nghiệp tại tỉnh này. Theo kế hoạch, Cheng Loong sẽ khởi công xây dựng nhà máy ngay trong tháng 12/2015 trên khu đất của Khu công nghiệp Singapore Ascendas-Protrade.
Dự án có quy mô 1 triệu tấn/năm, với tổng vốn đăng ký lên tới 1 tỷ USD. Với số vốn đăng ký như vậy, dự án này của Cheng Loong trở thành dự án tỷ USD thứ 4 đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay. Ba dự án khác là Dự án Samsung Display (3 tỷ USD ở Bắc Ninh), Dự án Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD ở TP.HCM) và Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 (vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, ở Trà Vinh).
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2015. Ảnh: Đức Thanh |
Ở vào thời điểm cuối năm, việc có thêm một dự án tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam sẽ tác động lớn tới tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm nay. Tính đến ngày 20/11/2015, vốn FDI bao gồm cả đăng ký mới và tăng thêm là 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. Thêm dự án của Cheng Loong, vốn FDI đã tăng lên 21,22 tỷ USD, cao hơn con số 20,23 tỷ USD của năm 2014 được ước tính vào thời điểm cuối năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn con số của năm 2014 được công bố chính thức vào trung tuần tháng 3/2015 là 21,91 tỷ USD.
Với kết quả này, nhiều khả năng năm nay, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ vượt con số đạt được của năm ngoái. Đây là điều đáng ghi nhận, bởi những tháng đầu năm luôn có xu hướng sụt giảm vốn FDI vào Việt Nam và nhiều quan ngại đã được đặt ra về việc liệu có phải Việt Nam đã trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa.
Trong khi đó, vốn giải ngân dự kiến đạt mức kỷ lục, khi 11 tháng đầu năm đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2014. Con số của cả năm dự kiến đạt khoảng 14 tỷ USD - mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, xét cả về vốn đăng ký và tăng thêm, Việt Nam sẽ có một năm 2015 thành công trong thu hút FDI. Con số được dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa, khi hàng loạt động thái tích cực đã diễn ra trong những tháng cuối năm. Ban đầu là việc các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng ký vào tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); tiếp theo là việc Quốc hội Hàn Quốc chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam và mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên cũng đã ký tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, việc thực hiện lộ trình EVFTA trước khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam”, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định và cho biết, nhiều doanh nghiệp từ Liên minh châu Âu (EU) đã luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, phân tích cụ thể hơn, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, những ngành công nghiệp mà các doanh nghiệp châu Âu tập trung nhiều tại thị trường Việt Nam, nhờ vào tác động tích cực của EVFTA, sẽ là sản xuất máy móc và linh kiện, sản xuất ô tô, xe máy và phụ tùng ô tô.
“Các lĩnh vực dược phẩm, dệt may và hóa chất cũng sẽ có những thay đổi đáng kể do thuế suất sẽ thay đổi sau khi EVFTA có hiệu lực. Các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp cũng sẽ quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn, do EVFTA đã giải quyết vấn đề thuế cho cả sản phẩm thô và nông sản đã qua chế biến”, bà Nicola Connolly nói.
Không chỉ hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, mà FTA với Hàn Quốc, việc hình thành AEC cũng như tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ tạo cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút FDI. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đều thống nhất quan điểm này.
Thậm chí, đã có khẳng định về việc Việt Nam đang có một cơ hội chưa từng có để thu hút FDI. “Các nhà đầu tư đang đi trước trong cuộc chơi với các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết. Họ sẵn sàng đón đầu những cơ hội sắp tới ở Việt Nam”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nói.
Kể cả chưa tính đến các tác động tích cực do các FTA mang lại, thì việc hàng loạt dự án tỷ USD khác đang “nằm chờ” để được cấp chứng nhận đầu tư cũng sẽ góp phần quan trọng mang lại làn sóng FDI ngày càng mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.