Doanh nghiệp
Cơ hội hút vốn FDI nâng cao trình độ sản xuất
Hoàng Nam - 01/08/2020 07:36
EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư hay sử dụng nguyên phụ liệu từ châu Âu, giúp nâng tầm trình độ sản xuất, sau đó quay lại xuất khẩu sản phẩm sang EU.
Thực thi EVFTA, ngành dệt may có lợi thế lớn, nhưng vướng mắc ở khâu nguyên liệu chưa chủ động được. Ảnh: Đức Thanh

Lợi thế có, thực thi không nhanh

Hai ngành công nghiệp được cho là có nhiều cơ hội nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực là dệt may và da giày.

Theo các chuyên gia, khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc, cạnh tranh ngang về giá với hàng Campuchia, Bangladesh... đang được hưởng thuế 0%, nhưng Việt Nam có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.

Hiện Việt Nam đang hưởng chế độ Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng chỉ là “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%. Khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% (khoảng 42,5% số dòng thuế), còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.

Tuy nhiên, muốn gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thông qua việc giảm thuế, hàng dệt may sẽ phải thực hiện quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU, hoặc một nước đồng thời có FTA với cả EU và Việt Nam.

Đây là thách thức không nhỏ do doanh nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu, trong nước chưa chủ động được nguồn cung.

Ngoài việc các doanh nghiệp dệt may có thể dùng vải sản xuất tại Hàn Quốc (là quốc gia cũng có FTA với EU), các chuyên gia cũng kỳ vọng đây là cơ hội để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vải.

Song các chuyên gia cũng cho rằng, điều này phải làm bài bản và có chiến lược để thu hút được đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, hiện đại và không gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, vừa đón đầu được xu hướng phát triển của ngành dệt may thế giới, vừa tạo ra những thay đổi về chất trong giá trị gia tăng của hàng dệt may tại Việt Nam.

Với ngành da giày, ngay khi áp dụng EVFTA, 37% mặt hàng xuất khẩu vào EU thuế sẽ về 0%, còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào giày thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam thời gian qua.

Điều được cho là khó khăn và cần nỗ lực từ phía nhà sản xuất tại Việt Nam chính là tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản thương mại đối với da giày của thị trường EU rất cao. “Các rào cản này liên quan đến mức độ an toàn cao cho sức khỏe người tiêu dùng, mức độ thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cách thức ghi nhãn sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải rất chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất và giám sát trách nhiệm xã hội của mình để bên mua đặt hàng dài lâu”, các chuyên gia khuyến cáo.

Nói về cơ hội mở ra cho một số sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp đã qua chế biến như thuốc lá, bia do thuế nhập khẩu giảm xuống, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng, sẽ có những mức phí khác được đặt ra để hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có liên quan đến sức khoẻ, nên tính chung lại chưa chắc đã dễ dàng hơn.

Nguyên liệu, vốn đầu tư từ châu Âu

Ngoại trừ các mặt hàng dệt may, da giày, thuốc lá, bia đã được nói ở trên, nhìn sâu vào các mặt hàng công nghiệp khác từ Chương 25 đến Chương 98 trong Biểu thuế xuất nhập khẩu, cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập EU được cho là không dành cho số đông.

“Các mặt hàng có trọng lượng lớn, kích thước cồng kềnh như vật liệu xây dựng, thì dù chi phí sản xuất ở Việt Nam có rẻ, nhưng phải tính tới chi phí vận chuyển và các tiêu chuẩn khác về môi trường, sức khoẻ của người tiêu dùng, chứ không chỉ thuần tuý là thuế nhập khẩu vào EU giảm, nên cơ hội sẽ rộng mở. Đối với nhiều sản phẩm máy móc, thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, đồ điện tử thì do thuế tối huệ quốc (MFN) theo biểu thuế WTO cũng đã thấp sẵn, nên đã xuất khẩu sang EU từ lâu, chứ không phải chờ tới EVFTA mới xuất được. Còn các mặt hàng máy móc, thiết bị đồng bộ thì Việt Nam đa phần nhập khẩu nên sẽ tận dụng được cơ hội mua hàng có thương hiệu đảm bảo với chi phí hấp dẫn hơn để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh”, một chuyên gia am hiểu EVFTA nhận xét.

Nhìn nhận cơ hội từ EVFTA, chuyên gia này cũng cho rằng, có khả năng thu hút nguồn vốn FDI từ EU vào công nghiệp hỗ trợ để làm ra hàng có chất lượng tại Việt Nam. Song, con đường này phải đi lâu dài, chứ không thể đi nhanh, đi vội được.

Chia sẻ về tận dụng EVFTA, ông Lương Hữu Lâm, Giám đốc thương hiệu Giovanni Group cho hay: “Để sản xuất dòng hàng thời trang cao cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu, nhiều nguyên phụ liệu của chúng tôi vẫn phải nhập khẩu từ châu Âu. Vì vậy, EVFTA sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp  tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu từ châu Âu với mức giá và thuế cạnh tranh”.

Hiện một phần sản phẩm của thương hiệu Giovanni có nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Italia. Vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ dùng nguyên phụ liệu đến từ Italia để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao tại Việt Nam và sau đó mang sang thị trường EU tiêu thụ. Như vậy, sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan đến 2 lần.

Ông Lâm cũng cho rằng, để bán hàng, giá thành rất quan trọng, nhưng không phải là nhân tố quyết định tất cả hành vi mua sắm của người tiêu dùng châu Âu. Các yếu tố khác được nhắc tới còn là chất lượng, hình ảnh, thương hiệu…, trong đó, thương hiệu không chỉ của sản phẩm, của doanh nghiệp, mà còn là thương hiệu của quốc gia, nơi sản xuất ra sản phẩm đó.

Chặng đường nỗ lực và chăm chỉ

Để chủ động trong dài hạn về nguồn nguyên phụ liệu, các chuyên gia cho rằng, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, cũng như sự chung sức của cả cộng đồng doanh nghiệp. Làm được điều này không thể trong một sớm, một chiều, mà phải có cả chặng đường nỗ lực và chăm chỉ. Viễn cảnh xa hơn, Việt Nam sẽ có cơ hội định vị thương hiệu thời trang về dệt may, da giày ở phân khúc cao cấp trên thế giới, mà không đơn thuần là quốc gia chuyên gia công như hiện nay.
Tin liên quan
Tin khác