Ngày 28/6, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức diễn đàn “Việc làm Số cho công nhân” và công bố chương trình “Cơ hội mới”.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, thông qua các khóa đào tạo kỹ năng số, người lao động, đặc biệt là đối tượng công nhân thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp hậu đại dịch COVID-19 sẽ được cung cấp những kiến thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu công việc cùng cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo.
“Việc đào tạo các kỹ năng số, bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc... kết hợp với Chương trình 'Cơ hội mới', kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu công việc, giúp công nhân tiếp cận và sử dụng công nghệ số thành thạo. Từ đó, người công nhân có thêm những cơ hội nhận được những công việc phù hợp và thăng tiến trong sự nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi”, ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC kỳ vọng chương trình sẽ giúp công nhân tiếp cận và sử dụng công nghệ số thành thạo |
Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác hoạt động thí điểm “Chuyển đổi số cho công nhân Việt Nam” giữa Chương trình Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế ở châu Á của USAID (US-SEGA) và Tổ chức giáo dục trực tuyến FPTFUNiX. Hoạt động thí điểm trên hứa hẹn giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng, kiến thức cho người công nhân, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC cho biết, chương trình "Cơ hội mới" ra đời trong bối cảnh quý I/2023 có hơn 880.000 người thiếu việc làm. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1 triệu người.
Nhiều doanh nghiệp như dệt may, da giày, điện - điện tử cắt giảm lao động. Một lượng công nhân bị thay đổi bởi máy móc, phải chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn lao động có kỹ năng số ở Việt Nam rất lớn.
“Cơ hội mới” đặt mục tiêu có 300 công nhân tham gia đào tạo (20% là nữ giới). Sau đào tạo, 50% có việc làm tốt hơn. Việc đào tạo được thực hiện trực tuyến, bảo đảm việc làm đầu ra phù hợp với trình độ, kỹ năng, độ tuổi.
Theo bà Gulmira Asanbaev, Giám đốc Hệ sinh thái năng suất cho Chương trình Việc làm bền vững Việt Nam, ILO, thị trường việc làm thế giới và khu vực ASEAN đều đã có sự chuyển dịch do AI, Big data. Một số công nhân có kỹ năng tốt có thể đón nhận cơ hội này để tăng thêm thu nhập và thay đổi việc làm. "Kỹ năng số ngày càng trở thành phương tiện quan trọng trong thị trường việc làm", bà Gulmira Asanbaev nhận định.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các công việc yêu cầu sử dụng máy tính ở mức độ cao đang tăng nhanh. Các công việc đang phát triển mạnh cũng có xu hướng yêu cầu sử dụng máy tính cao hơn. Vì vậy, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về các ngành nghề đang phát triển cho sinh viên, người tìm việc, cập nhật danh sách các ngành nghề đang phát triển và theo dõi xu hướng thị trường hàng năm, khảo sát doanh nghiệp để đảm bảo điều chỉnh kịp thời các chiến lược hình thành kỹ năng và dịch vụ hỗ trợ việc làm.