Thời sự
Danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Huy Kiên - 22/12/2014 07:07
() Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chuyên môn có thể nghiên cứu, nếu thấy đủ điều kiện thì đề xuất Nhà nước công nhận danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Quân đội Nhân dân Việt Nam không để Tổ quốc bất ngờ trong mọi tình huống
Đảng và Bác Hồ với Quân đội Nhân dân Việt Nam
Doanh nhân Việt và tinh thần “hiệp đồng tác chiến”

GS-TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại tá, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) đánh giá, danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ nói lên mối quan hệ đặc biệt giữa Bác Hồ với bộ đội, bộ đội với Bác Hồ, mà còn là một giá trị độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam.

Chưa có nước nào, người lính được vinh dự gắn với tên một vị anh hùng dân tộc như ở Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Quý rất tâm đắc với giá trị, phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

“Trên thế giới, theo tôi biết, chưa thấy nước nào, người lính lại được vinh dự gắn với tên một vị anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ của mình và quân đội được coi là trường ‘đại học lớn’ để đào tạo, rèn luyện các thế hệ thanh niên như ở Việt Nam. Cũng chưa có nước nào mà người lính trở thành hình mẫu của con người mới về phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Hiếm có dân tộc nào mà ở đó toàn dân hết lòng thương yêu, đùm bọc bộ đội và sẵn sàng động viên con cháu nhập ngũ để chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như ở Việt Nam”, ông Phan Văn Quý chia sẻ.

Với ý nghĩa đó, danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” thực sự là sự sáng tạo của nhân dân ta, là nét rất độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

“Bộ đội Cụ Hồ” là giá trị tiêu biểu trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh. Cái hay, cái đặc biệt của danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” và những chuẩn mực của danh xưng này thể hiện ở chỗ, nó không phải là cái “nhất thành bất biến”, mà được vun đắp, bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên thực tế, danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” và chuẩn mực của danh xưng này là sự kế thừa truyền thống của dân tộc và phát triển phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trước đây, trong kháng chiến, gương hy sinh của các anh hùng Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân, Lê Đình Chinh… là những tấm gương soi rọi cho hàng triệu thanh niên, thì ngày nay, chủ nghĩa anh hùng cách mạng tiếp tục được thắp sáng bởi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đang ngày đêm bám biển, bám đảo, cứu hộ, cứu nạn, đấu tranh chống tệ nạn xã hội trong đời sống thường ngày...

“Tại diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, tôi đã mạnh dạn đề xuất những trường hợp như Vinashin, Vinalines không đảm trách được công việc, thì Nhà nước nên chuyển cho các đơn vị quân đội, vì các doanh nghiệp làm kinh tế của Quân đội được tổ chức chặt chẽ, bài bản, xử lý tình huống rất nhanh. Đề xuất này được nhiều đại biểu tán thành”, ông Quý nói.

Chính vì thế, theo Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Quý, việc công nhận danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là di sản phi vật thể quốc gia không chỉ ghi nhận giá trị vì nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ, mà còn giúp danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” và những giá trị của danh xưng này được gìn giữ, phát huy và nhân rộng. Chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với tình hình mới, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Bên cạnh đó, hiện nay, mặt trái kinh tế thị trường đang len lỏi vào khắp ngõ ngách của đời sống xã hội, không loại trừ các đơn vị quân đội. Các thế lực thù địch, trong chiến lược diễn biến hòa bình, vẫn tập trung vào mục tiêu phi chính trị hóa quân đội ta. Do vậy, việc công nhận danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn là sự động viên, đồng thời gắn với trách nhiệm to lớn trong việc gìn giữ, phát huy danh xưng này trong Quân đội.

Chúng ta cũng có thể đưa danh xưng này trở thành một danh hiệu, một phần thưởng cao quý của Quân đội. Đối với người lính, sẽ thật tự hào khi hoàn thành nhiệm vụ được gắn trên ngực mình danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

“Để danh xưng ‘Bộ đội Cụ Hồ’ có thể trở thành di sản phi vật thể quốc gia, cần có sự nghiên cứu, đánh giá của cơ quan chuyên môn, các chuyên gia. Tôi tin việc danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” và các chuẩn mực của danh xưng này trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ nhận được sự đồng tình của quân, dân cả nước”, ông Phan Văn Quý nhìn nhận.

Tin liên quan
Tin khác