Xin ông cho biết những lợi thế về vị trí, tiềm năng và môi trường đầu tư của huyện tạo sức hút trong kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp?
Thái Thụy là huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, có 27 km bờ biển cùng với 3 cửa sông lớn: sông Trà Lý, sông Diêm, sông Hoá, liền kề tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong những năm qua, nhiều công trình giao thông lớn đã và đang hoàn thành như: cầu Trà Giang, cầu sông Hóa, Quốc lộ 37, 37B, Quốc lộ 39, tỉnh lộ 216 và 460 nối liền các thành phố lớn, các huyện. Thái Thụy có đội tàu vận tải biển quy mô cấp huyện lớn nhất miền Bắc, trên 160 công ty vận tải biển hoạt động khắp hải phận trong nước và quốc tế.
. |
Thái Thụy có Trung tâm Nhiệt điện Thái Bình công suất 1.800 MW, quý IV, năm 2017 hòa mạng lưới điện quốc gia, có nguồn than nâu trữ lượng lớn, nhà nước đã có kế hoạch thăm dò, khai thác cùng hệ thống kho xăng dầu 18.000 m3. Các dự án lớn từng bước được thực hiện như xây dựng tuyến đường bộ ven biển, cảng biển quốc gia Diêm Điền để đón tàu đến 10.000 tấn là những nguồn lực lợi thế không phải huyện ven biển nào cũng có được.
Thái Thụy có vùng bãi triều rộng lớn 13.000 ha một tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy hải sản và công nghiệp chế biến; trên 4.500 ha rừng ngập mặn khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận trong đó có khu du lịch sinh thái Cồn Đen và rừng phòng hộ bảo tồn thiên nhiên Thụy Trường là nguồn tiềm năng vô giá để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển.
Thái Thụy đã hoàn thành quy hoạch phát triển KT - XH đến 2020 và không xa, thị trấn Diêm Điển sẽ trở thành đô thị bên bờ biển Đông. 2 khu và 6 cụm công nghiệp với tổng quỹ đất trên 700 ha đã và đang sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.
Thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn, lực lượng lao động dồi dào, qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao; an ninh chính trị ổn định, an toàn xã hội đảm bảo. Thái Thụy luôn đồng sức, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.
Để phát huy những lợi thế, tiềm năng trên, Thái Thụy sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào để đẩy mạnh thu hút đầu tư?
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Luôn đồng hành, lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tư vấn, hướng dẫn và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai… Thường xuyên rà soát bổ sung các quy hoạch phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tập trung ở các khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, doanh thu lớn, ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm, công nghiệp chế biến, các nhà đầu tư vào lĩnh vực thân thiện với môi trường…
Thái Thụy sẽ có lợi thế lớn sau khi tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng tuyến đường bộ ven biển?
Từ thực tế kinh tế biển Thái Thụy phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, nhất là trong tình hình xuất hiện những nguồn lực thuận lợi mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Thái Thụy đã xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế biển huyện Thái Thụy giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và sẽ ban hành trong dịp tháng 9 này.
Đến năm 2020 kinh tế biển của huyện phát triển bền vững và thực hiện được công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, triển khai dự án quai đê lấn biển; hình thành trung tâm nghề cá, chợ đầu mối thủy sản; mở rộng quỹ đất phát triển khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và khu đô thị ven biển. Đẩy mạnh nuôi, trồng, chế biến hải sản; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển, du lịch biển...
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thái Thụy xây dựng và bổ sung cơ chế chính sách thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản...
Tạo hệ thống hành lang pháp lý nhất là đối với việc tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên như mặt đất, mặt nước; Các thủ tục pháp lý công khai, minh bạch, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và tài sản trên đất; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng để khuyến khích thành phần kinh tế trong nước đầu tư sản xuất kinh doanh lĩnh vực kinh tế biển.
Kêu gọi, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tái tạo rừng. Phấn đấu đến năm 2020 số tàu công suất lớn chiếm 40- 50%. Phát triển các tua du lịch biển, du lịch sinh thái; mở rộng Khu lưu niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, khu du lịch sinh thái Cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường.