Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT Motor) vừa phát ra thông báo việc ông Hồ Hải An, Tổng giám đốc Công ty xe điện sẽ không còn chỉ đạo điều hành mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty này để nhận nhiệm vụ khác từ ngày 1/5/2024.
Ông Bùi Quốc Công, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô TMT được giao nhiệm vụ chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty xe điện từ ngày 1/5/2024.
Như vậy, sau hơn nửa năm tạo luồng gió mới trên thị trường ô tô điện Việt Nam với mẫu xe mini nhãn hiệu Wuling HongGuang MiniEV, dường như nhà lắp ráp và phân phối mẫu xe điện này là TMT Motor đang có dấu hiệu lúng túng trong việc tìm hướng đi hiệu quả và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Từ sản xuất lắp ráp xe tải, TMT Motor gây bất ngờ khi tung ra xe điện mini Wuling. |
Nhà máy ô tô điện của TMT Motors được đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm và giai đoạn 2 là 60.000 xe/năm khi TMT Motors giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện mới ở các phân khúc khác nhau, phù hợp với hợp tác chiến lược của liên doanh GM (Mỹ).
Dù được xem là mẫu xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới các năm 2020, 2021, 2022 theo thống kê của JATO Dynamics - công ty chuyên nghiên cứu, phân tích ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, mẫu xe Wuling HongGuang vẫn có các công năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng tại thị trường Việt Nam, nhất là với những người đang cần một chiếc ô tô cỡ nhỏ để đi lại ở cự ly vừa phải, với chi phí vận hành tiết kiệm. Đồng thời, xe có thể được sạc năng lượng dễ dàng tại các ổ điện dân dụng.
Kể từ khi bắt đầu giao những chiếc xe điện Wuling HongGuang Mini EV đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9/2023, tới hết tháng 4/2024, có gần 1.000 xe chiếc xe đã tới tay khách hàng. Như vậy, bình quân mỗi tháng giao gần 150 xe Wuling HongGuang MiniEV.
Con số này cũng chưa thể đáp ứng được mục tiêu bán 5.000 xe mỗi năm mà TMT Motor từng nhắc tới.
Ban đầu mục tiêu được đặt ra là bán 5.000 xe điện Wulingmini/năm. |
Giới quan sát cũng nhận thấy, Wuling HongGuang MiniEV chưa có chiến lược marketing rõ ràng để tạo ra nhận diện riêng. Chưa kể các pha xử lý lúng túng trong việc thay tên gọi của mẫu xe này khi sử dụng logo chữ SGMW mới, đồng thời bổ sung thêm decal cờ Mỹ.
Ngoài gọi đơn giản là MiniEV, đuôi xe không còn thể hiện tên thương hiệu Wuling nhằm làm hài lòng khách hàng kén thương hiệu.
Động thái này khiến nhiều người cho rằng, sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn thương hiệu và xuất xứ của chiếc xe và nghĩ mẫu xe này là một sản phẩm của hãng xe Mỹ khi nghe các tư vấn viên nhấn mạnh Wuling mini EV là "xe điện của liên doanh Mỹ" hoặc nếu chỉ nhìn vào decal cờ Mỹ.
Dù việc thay Tổng giám đốc Công ty xe điện của TMT Motor diễn ra trước khi hãng xe điện của Việt Nam là VinFast công bố giá bán cho mẫu xe điện VF3 của mình vào ngày 7/5 với chỉ từ 235 triệu đồng cùng nhiều đặc quyền khác nhưng thực tế này cũng tiếp tục cho thấy Wuling mini EV nói riêng và TMT Motor sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức nhiều hơn nữa để trụ vững trong phân khúc xe du lịch.
Theo nhiều ý kiến, nếu VF3 có chính sách khuyến mại thuê pin thì cơ hội cho Wuling mini EV sẽ khó hơn rất nhiều. Lối thoát chính là phải tìm ra một sản phẩm xe điện mini nhưng có 4 cửa để có sự khác biệt và thu hút khách hàng. Ngoài ra, marketing cũng phải có sự đầu tư chi phí mạnh hơn để khách hàng nhận diện được sản phẩm thường xuyên.
Tuy nhiên, các điều này là không dễ dàng với phong cách kinh doanh của TMT Motor, vốn đang bán xe tải các hạng đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, dành cho khách hàng phổ thông.