Thông qua Diễn đàn, với sự hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã nhận được nhiều thông tin hữu ích và dự kiến sẽ có nhiều dự án thành công trong thời gian tới. Diễn đàn có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC), Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế trong cả đầu tư FDI và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, với nhiều tiềm năng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đây là thời điểm thích hợp để tiếp tục kết nối các nhà đầu tư, các quỹ tài chính và các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực nhằm mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định sự chủ động trong thu hút đầu tư đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đại dịch làm bộc lộ những hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới.
Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 |
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thái Hải Vân, đại diện Grab cho biết, trong bối cảnh khó khăn, lời khuyên đưa ra cho những doanh nghiệp khởi nghiệp chính là có sự chuẩn bị thật sớm và bám sát chiến lược tăng trưởng. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ là yếu tố cốt lõi.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo cho biết, khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường ví điện tử. Riêng với Ví Momo, nền tảng này đã tăng gấp đôi số lượng khách hàng từ 10 triệu lên 20 triệu chỉ trong thời gian ngắn.
“Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện tại có 38 ví điện tử đang hoạt động trong nước. Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch. Theo thông lệ của thị trường với quy mô hơn 100 triệu dân, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra trong 3 đến 5 năm tiếp theo và có thể chỉ còn 2 đến 3 ví tồn tại. MoMo sẽ tích cực tham gia vào quá trình phấn đấu này để theo đuổi mục tiêu trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam trong thời gian tới”, ông Diệp khẳng định.
Trong khuôn khổ Diễn đàn có các hoạt động kết nối doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Kết nối đầu tư (Startup-Pitching) và Kết nối giao thương – Hội nhập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng (Business-Matching) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME). Chương trình là sự kiện điểm nhấn về phát triển kết nối giao thương của khối doanh nghiệp.