Nguyên nhân khiến cCng ty bị xử phạt là do không trực tiếp tuyển chọn lao động; Thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công ty cũng không tổ chức bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc tại Ả rập Xê út theo quy định.
Trước đó, năm 2021, một nữ lao động tên là H.X.S (Gia Lai) được công ty đưa sang làm việc tại Ả rập Xê út đã tử vong, song công ty rất chậm trễ trong đưa ra các biện pháp bảo về quyền, lợi ích của người lao động lao động. Sau nhiều tháng, công ty vẫn chưa đưa được thi hài về nước theo nguyện vọng của gia đình.
Đặc biệt, theo hồ sơ của công ty, nữ lao động này sinh năm 1996 song theo gia đình, em H.X.S sinh năm 2003, thời điểm sang nước ngoài làm việc, em H.X.S chưa đủ tuổi lao động. Lãnh đạo công ty cho hay, người tuyển dụng lao động H.X.S là một phụ nữ tên là L.T.T quê ở Gia lai, trước đó là nhân viên của công ty.
Cùng với xử phạt công ty Vinaco, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tiến hành xử phạt một loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động khác. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long OSC 50 triệu đồng do không kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh khi người lao động có tranh chấp với chủ sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Sáng tạo Đỉnh Cao và Công ty cổ phần Tập đoàn DHT mỗi doanh nghiệp 3,5 triệu đồng do không biên soạn đầy đủ tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo quy định.