Thời sự
Có nên khống chế tuổi hành nghề của công chứng viên?
Mạnh Bôn - 20/02/2014 17:43
(Baodatu.vn) Có nên “khép lại” tuổi hành nghề của công chứng viên hay không là nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tranh luận khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Và giải pháp cuối cùng được đưa ra là… để Quốc hội quyết định vấn đề này. >>> Loại dần việc tùy tiện trong kê khai vốn >Tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ý kiến trái chiều

Vì vậy, Luật Công chứng sửa đổi mới nhất đã đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định, công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của phòng công chứng sau khi nghỉ hưu có thể tiếp tục hành nghề tại văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi. Trong khi đó phương án 2 không quy định về tuổi hành nghề của công chứng viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai

Không đồng tình việc “khép lại” tuổi hành nghề của công chứng viên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai giải thích:

“Tuổi hành nghề với tuổi nghỉ hưu hoàn toàn khác nhau. Tuổi hành nghề không có kết thúc mà chỉ có bắt đầu. Cụ thể là phải đủ 15 tuổi mới được ký hợp đồng lao động và người dân được làm việc cho đến khi vẫn còn đủ sức khỏe, trí tuệ thì thôi, ngoại trừ một số nghề đặc biệt như lái tàu, lái xe… phải khống chế tuổi hành nghề”.

“Giáo viên, bác sỹ, luật sư… sau khi nghỉ hưu (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ), người ta vẫn tiếp tục đi giảng dạy, khám chữa bệnh, tranh tụng tại tòa án bình thường, thậm chí còn tốt hơn nhiều so với những người ít kinh nghiệm vậy vì sao lại chỉ cho phép công chứng viên hành nghề đến 65 tuổi”, bà Mai đặt câu hỏi.

Theo bà Mai, công chứng viên dù làm việc tại phòng công chứng hay văn phòng công chứng chỉ cần thực hiện theo Bộ luật Lao động, khi đến tuổi họ vẫn được nghỉ hưu theo chế độ nhưng họ có quyền ký hợp đồng làm việc tiếp tại văn phòng công chứng. “Luật Công chứng không nên khống chế tuổi nghỉ hưu với công chứng viên”, bà Mai nói.

Quan điểm của bà Mai nhận được sự đồng tình của ông Ksor Phước (Chủ tịch Hội đồng dân tộc) và ông Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp).

“Công chứng viên làm việc tại phòng công chứng là cơ quan nhà nước thì phải nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức. Sau khi nghỉ hưu, họ còn đủ sức khỏe, trí tuệ và có nhu cầu thì phải để cho họ được ký hợp đồng làm việc tại phòng công chứng. Còn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì công chứng viên hoạt động như người lao động trong doanh nghiệp, vì vậy không nên khống chế tuổi làm việc của công chứng viên làm việc ở phòng công chứng”, ông Hiện phát biểu.

Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng ý với phương án khống chế tuổi làm việc của công chứng viên tối đa là 65 tuổi nhưng ông Giàu vẫn băn khoăn: “Hiện tại có không ít người ở độ tuổi “U80, U90” vẫn đang làm việc, thậm chí làm lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phức tạp, có độ nhạy cảm cao, có độ rủi ro cao, tác động đến nhiều người. Nhưng thực tế cho thấy, họ vẫn đảm đương rất tốt công việc của mình”.

Lý giải về việc khống chế tuổi làm việc của công chứng viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, do công chứng là nghề đặc thù, không chỉ đòi hỏi sức khỏe, trí tuệ, sự minh mẫn mà còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa như thị giác, thính giác phải bảo đảm việc công chứng chính xác. Chính vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định tuổi làm việc của công chứng viên như Trung Quốc là 65 tuổi, Nhật Bản là 70 tuổi…

“Việc khống chế tuổi làm việc của công chứng viên của nước ta không phải là ngoại lệ mà theo thông lệ quốc tế, áp dụng theo kinh nghiệm của các nước có hoạt động công chứng hàng trăm năm nay. Hơn nữa, quy định của Việt Nam không hề cứng nhắc vì cho phép phụ nữ cũng được hành nghề đến 65 tuồi và công chứng viên không phân biệt nam nữ, sau khi đến tuối nghỉ hưu ở phòng công chứng vẫn được làm việc thêm 5-10 năm ở văn phòng công chứng”, ông Cường giải thích.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, công chứng là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Do vậy, những người này cần có tuổi nghỉ hưu để bảo đảm yêu cầu về việc hành nghề, nhất là về sức khỏe.

Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nói riêng và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế nói chung.

Vì vậy, để kiểm soát chất lượng của hoạt động công chứng, theo ông Lý, không chỉ khống chế tuổi hành nghề mà cần phải có quy định cụ thể hơn để quản lý tiêu chuẩn của công chứng viên trong suốt quá trình hành nghề, đặc biệt là tiêu chuẩn về sức khỏe. Người không bảo đảm điều kiện sức khỏe sẽ bị xem xét miễn nhiệm, không được tiếp tục hành nghề nữa.

Tin liên quan
Tin khác