iQIYI cung cấp một khối lượng đồ sộ các bộ phim với chất lượng hình ảnh cao. |
Ông lớn Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam
Chỉ mất vài nhấp chuột vào Google Play hoặc iOS, người dùng có thể trở thành khách hàng của 2 ứng dụng truyền hình trả tiền xuyên biên giới là iQIYI, WeTV của hai ông lớn công nghệ Trung Quốc Baidu và Tencent. Đáng chú ý là, các bộ phim phát trên 2 ứng dụng này đều có phụ đề tiếng Việt và người dùng có thể đăng ký tài khoản, trả tiền thuê bao hàng tháng bằng tiền Việt Nam.
Hai ứng dụng trên cung cấp một khối lượng đồ sộ các phim bộ, phim lẻ, phim hoạt hình 4D, TV Show hấp dẫn... với chất lượng hình ảnh cao, cùng các bộ phim mới nhất của các hãng truyền hình, điện ảnh Trung Quốc sản xuất. Giống như các ứng dụng VOD (cung cấp các nội dung truyền hình qua Internet) quốc tế khác, Baidu và Tencent miễn phí cho khách hàng xem 1 tháng đầu để thu hút lượng người xem.
Về cách thức thanh toán, khách hàng khi mua các gói VIP sẽ trả tiền qua cổng thanh toán của Apple và Google. Mỗi ID chỉ được thanh toán cho một tài khoản VIP của We TV hoặc iQiYi. So với giá thuê bao của các dịch vụ truyền hình trả tiền như Clip TV, Fim+, VTVcab ON, K+... tại Việt Nam, mức giá của iQIYI và WeTV chỉ bằng 20-30%. Và so với mức phí của Apple TV, thì mức thuê bao của họ quá rẻ, khi Apple TV thu phí xem từng bộ phim với mức giá 2-7 USD/lần xem. Mức phí dùng gói VIP We TV trong 1 năm chỉ tương đương dùng Netflix trong 1 tháng.
Với mức chi phí hợp lý, cùng hàng loạt phim bộ, phim lẻ Hoa ngữ bom tấn, có cơ sở cho thấy, các dịch vụ của iQIYI và WeTV sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đe dọa miếng bánh truyền hình trả tiền Việt Nam vốn đang teo tóp thời gian qua.
Cuộc cạnh tranh “tắm máu”…
Sự thâm nhập thị trường của iQIYI và WeTV đang đặt ra vấn đề pháp lý và quản lý với các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới. Trước đó, năm 2016, Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia) đã cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và tới đây, Disney+ hay Amazon cũng sẽ bán thuê bao ở thị trường Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật, muốn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nội dung phải tuân thủ các quy định về biên tập, biên dịch và quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, trong khi Nhà nước kiểm soát, kiểm duyệt rất chặt chẽ đối với các đơn vị truyền hình trả tiền, phim ảnh..., thì đối với các ứng dụng xuyên biên giới nước ngoài tràn vào thị trường lại chưa quản lý được. Ngoài việc bất công bằng, thị trường tiềm ẩn nguy cơ rối loạn và đang dần rơi vào các OTT (giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet) nước ngoài.
Còn ông Trần Văn Úy, Chủ tịch SCTV bức xúc cho hay, Nhà nước đang “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp truyền hình Việt Nam phải chịu 3 loại thuế: thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuyên biên giới không phải chấp hành nghĩa vụ về thuế, không phải xin giấy phép hay chịu sự quản lý nội dung khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ở khía cạnh tích cực, sự tham gia của các truyền hình OTT xuyên biên giới sẽ cung cấp cho thị trường các sản phẩm mới, thị trường sẽ cạnh tranh tốt hơn để phát triển. Tuy nhiên, nếu không có “đường ray pháp lý”, truyền hình OTT sẽ rơi vào cuộc “tắm máu” cạnh tranh bất bình đẳng.
Theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media, Nhà nước cần có các công cụ quản lý tốt hơn dịch vụ OTT chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, mạnh tay xử lý các trang cung cấp nội dung vi phạm bản quyền. “Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ có chế tài mạnh với những vi phạm bản quyền, đặc biệt là nhóm dịch vụ chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam như các trang phim lậu, không có đăng ký kinh doanh, không có hệ thống server đặt tại Việt Nam”, ông Hải đề xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Trưởng nhóm Phát triển giải pháp công nghệ VTVcab ON cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đặt “hàng rào” quản lý sớm để đảm bảo nội dung phim phát hành vào Việt Nam tôn trọng các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa của Việt Nam. “Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước đang rất cần một sân chơi sòng phẳng, đủ khả năng để cạnh tranh với những đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ nước ngoài kinh doanh xuyên biên giới này”, đại diện FPT Telecom cho biết.
Tăng cường quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới
Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị để quản lý các nội dung lậu cung cấp trên mạng xã hội, trên các app. Trong đó, sẽ phối hợp với các hãng tivi gỡ bỏ những nội dung chưa cấp phép. Đối với các Android TV Box, sẽ phối hợp cơ quan quản lý thị trường, các sàn thương mại điện tử để quản lý box không phép.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó sẽ bổ sung các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.