Kế hoạch thoái vốn của TCT Sông Đà tại các công ty liên kết đang ách tắc. |
Nhiều nút thắt
Theo quyết định đã được phê duyệt, năm 2015, Tổng công ty Sông Đà sẽ thực hiện cổ phần hóa tổng công ty mẹ. Cho đến thời điểm này, theo một lãnh đạo tổng công ty, doanh nghiệp hiện vẫn đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long, một trong những khoản đầu tư rất lớn của tổng công ty này trong giai đoạn trước.
Sông Đà dự kiến thoái vốn tại Xi măng Hạ Long, Thủy điện Trà Xom và Hương Sơn, cũng như 31 công ty cổ phần, quỹ đầu tư… Tuy nhiên, việc thoái vốn không hề đơn giản, bởi trong số các công ty liên kết có vốn góp của của hệ thống Sông Đà, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Có thể kể tên các đơn vị như Thanh Hoa Sông Đà, Phòng cháy chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà, Công ty TNHH Sông Hồng Nha Trang, Sông Đà 12, Sông Đà 25, Tài chính cổ phần Sông Đà, Thủy điện Bình Điền, Xây dựng Sông Đà Jurong; Cao su Phú Riềng Kratie… Nếu không thực hiện xong các phần việc trên, Sông Đà khó có thể thực hiện cổ phần hóa.
Đây chỉ là một trong những trường hợp đang gặp không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra. Nếu như trước kia doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đa phần thuộc diện quy mô nhỏ, chưa có những doanh nghiệp lớn, chưa có tình trạng doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành tràn lan, kéo theo công nợ lớn, thì nay nhìn vào danh sách những tổng công ty thuộc diện cổ phần hóa năm 2015, có không ít doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về tài chính, công nợ và đang trong diện phải thực hiện tái cơ cấu trước khi cổ phần hóa.
Lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn nói rằng, khi xử lý các tồn tại về tài chính, các quy định về xác định giá trị các khoản phải thu khó đòi là quá cứng nhắc. Ví dụ chỉ được phép xóa nợ khi chứng minh được con nợ đã chết và phá sản. Việc xử lý công nợ hướng dẫn không cụ thể đối với những loại công nợ lâu năm, đã trải qua nhiều giai đoạn, thay đổi lãnh đạo doanh nghiệp, hồ sơ bị thất lạc….
Có doanh nghiệp lại gặp phải tình trạng, tài sản công nợ loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp sau khi ký biên bản bàn giao trên sổ sách cho Công ty Mua bán nợ, chưa tiếp nhận thực tế. Do vậy, các công ty vẫn tiếp tục phải quản lý, phát sinh chi phí và không giải phóng được mặt bằng cho sản xuất - kinh doanh.
Cần thay đổi
Theo chuyên gia Trần Tiến Cường, hiện tồn tại những vấn đề có đặc thù riêng trong cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Thứ nhất, đó là những doanh nghiệp có quy mô lớn, có tài sản lớn, nhiều vốn Nhà nước, nắm giữ những ngành, lĩnh vực kinh doanh thường được quan niệm là quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước, an ninh quốc phòng, công ích.
Tập đoàn kinh tế và tổng công ty cấu trúc phức tạp, đa dạng nhiều tầng nấc, gồm nhiều doanh nghiệp thành viên, lợi ích không đồng nhất, thậm chí đối lập nhau. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty theo quan niệm trước đây và thậm chí hiện nay vẫn còn được coi là nòng cốt, xương sống của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước. Đây đều là những vấn đề gai góc, cần giải quyết trong và sau cổ phần hóa.
Thứ hai, về cách thức tiến hành cổ phần hóa. Hiện tại có 2 cách, một là cổ phần hoá toàn bộ tập đoàn, tổng công ty và hai là chỉ cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên để chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con. Cho đến nay, cổ phần hóa vẫn thiên về cách làm thứ hai: trước hết cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên, sau đó mới cổ phần hoá công ty mẹ. Cách làm này chỉ thay đổi ở bên dưới, công ty con cháu, công ty liên kết chưa đụng đến doanh nghiệp phía trên đó là công ty mẹ. Vì vậy, nhiều tập đoàn, tổng công ty không có chuyển biến mạnh mẽ, sức ỳ vẫn lớn, khó thực hiện cổ phần hóa toàn bộ.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong những ngành lĩnh vực quan trọng, ông Cường cho rằng, việc cổ phần hóa cần phải có sự lựa chọn và các bước đi phù hợp. Việc cổ phần hóa không thể thực hiện ồ ạt ngay từ thời điểm cổ phần hóa mà phải được tiến hành theo nhiều giai đoạn phù hợp với kế hoạch và lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn Nhà nước.