Doanh nghiệp
Cổ phần hóa DNNN: Bán cổ phần lô lớn để hút nhà đầu tư
Khánh An - 31/03/2015 07:28
Cách thức mới trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang theo hướng trực tiếp đàm phán với các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Siêu tổng công ty Cảng Hàng không trị giá 38.000 tỷ sẵn sàng cho IPO
Cổ phần hóa nhiều DNNN thuộc TP. Hà Nội
Nhà đầu tư chiến lược mong gì từ các cuộc IPO
Nhiều DNNN chỉ bán cổ phần lấy lệ

Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, các cienco 5, 6… là những cái tên trong danh sách Bộ Giao thông - Vận tải trình đề nghị cho phép thực hiện bán cổ phần theo lô.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang theo hướng trực tiếp đàm phán với các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng

Thậm chí, tại buổi sơ kết tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giữa tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng đã trực tiếp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ đứng ra đàm phán với các nhà đầu tư theo hình thức này.

 “Trước mắt, chưa có văn bản hướng dẫn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai. Nếu không thực hiện theo cách bán trọn lô, thì không có nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn nào quan tâm”, ông Thăng nói.

Sự sốt ruột của Bộ trưởng Thăng cũng bởi lẽ đây là những doanh nghiệp sẽ bán toàn bộ phần vốn nhà nước. Đó là chưa kể những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đạt tỷ lệ vốn nhà nước theo phương án được duyệt cũng sẽ được đưa ra chào bán tiếp trong tháng 4 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu không giải quyết được bài toán về cách thức bán cổ phần phù hợp, tình trạng xé lẻ cổ phần, thậm chí ế, như đã từng xảy ra trong nhiều đợt IPO của các doanh nghiệp trước đó sẽ tái diễn. Ngay trong quý I/2015, trong số 100 triệu cổ phiếu chào bán đấu giá, số bán được chỉ chiếm 40%.

Đáng nói là, trong những trường hợp này, cơ hội để tái cơ cấu tài chính, quản trị doanh nghiệp, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh thông qua năng lực của nhà đầu tư chiến lược hẹp đi rất nhiều.

Không chỉ trong ngành giao thông, nhìn vào tên tuổi doanh nghiệp dự kiến bán tiếp cổ phần nhà nước của Bộ Công thương sau năm 2015, nỗi lo xé lẻ càng lớn. Đó là Petrolimex, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Sabeco, Habeco, Tổng công ty Thép Việt Nam…

Trong khá nhiều diễn đàn, giới đầu tư đã có những đề nghị tương tự. Những giới hạn cao về tỷ lệ vốn nhà nước và cách thức chào bán cổ phiếu công khai vẫn được nhắc tới như là nguyên do chính giảm đi sức hấp dẫn của các doanh nghiệp cổ phần hóa với các nhà đầu tư chiến lược.

Thậm chí, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã từng phân tích, nhiều nhà đầu tư đánh giá những tồn tại của doanh nghiệp nhà nước lại là những tiềm năng mà họ sẵn sàng đầu tư để làm tốt hơn. “Với những nhà đầu tư dài hạn này, họ phải có quyền quyết định nên họ ít muốn đầu tư vào doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối”, ông Muôn phân tích và cho rằng, phương án cổ phần hóa mà xác định nhà nước nắm chi phối thì gần như loại các nhà đầu tư chiến lược ra.

Đó là chưa kể cách xử lý khi không bán hết cổ phần, doanh nghiệp lại được phê duyệt lại theo hướng tăng tỷ lệ vốn nhà nước theo số cổ phần chưa bán được. Nhà đầu tư sẽ không nhìn thấy lộ trình thoái vốn của doanh nghiệp này như đã cam kết trước đó.

Thực ra, câu chuyện bán lô lớn không chỉ giải quyết sức hấp dẫn của hàng hóa  - cổ phần của doanh nghiệp nhà nước - trên thị trường. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây cũng phải nhắc lại lo ngại mà ông đã đề cập khá nhiều lần, đó là tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần hóa quá cao. Trong số các doanh nghiệp được xếp vào diện đã hoàn thành cổ phần hóa, tỷ lệ doanh nghiệp còn tới 80-90%, thậm chí hơn, vốn nhà nước không hề nhỏ.

“Nếu cổ phần hóa như vậy mà coi là hoàn thành, thì các doanh nghiệp này có gì thay đổi không? Tôi nghĩ là không, vì vẫn nhân sự cũ, cách thức quản trị cũ, vẫn bóng dáng doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, nguy hiểm hơn khi có nhiều lỗ hổng hơn trong quản lý doanh nghiệp này so với trước. Chúng ta đã có nhiều bài học trả giá trong vấn đề này. Để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi vào thực chất, vai trò của các cổ đông rất lớn, nhất là các cổ đông tham gia thay đổi quản trị, hoạt động của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trao đổi trong cuộc làm việc gần đây với ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh, về câu chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác