Ban Giám hiệu Học viện Hàng không (VAA) vừa chính thức có văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho phép dừng việc cổ phần hóa cơ sở đào tạo công lập chuyên ngành. Đổi lại, Học viện sẽ triển khai xây dựng Đề án Tự chủ trình bộ chủ quản trong thời gian sớm nhất.
Lý do khiến Ban Giám đốc VAA xin “phanh” tiến trình cổ phần hóa đang trong giai đoạn về đích là đối với Học viện, mô hình hoạt động theo định hướng tự chủ sẽ phù hợp hơn mô hình công ty cổ phần.
. |
Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc VAA cho biết, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Ban Chấp hành Đảng ủy sau khi trong nội bộ học viện xuất hiện những ý kiến đề nghị xem xét lại việc cổ phần hóa.
Cần phải nói thêm rằng, công tác cổ phần hóa VAA được khởi động cách đây 2 năm hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Cụ thể, vào cuối tháng 9/2016, trên cơ sở đề xuất của lãnh đạo học viện, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2016 của VAA, trong đó giá trị thực tế để cổ phần hóa là 241,3 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại đơn vị là 220 tỷ đồng. Tròn một tháng sau, VAA kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải chọn Công ty CP chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa.
Đây là lý do khiến đề nghị dừng cổ phần hóa mà VAA đưa ra đang gây một sự ngạc nhiên lớn cho các nhà đầu tư, cũng như những người quan tâm đến tiến trình chuyển đổi mô hình sở hữu của cơ sở đào tạo hệ đại học công lập đầu tiên trong cả nước. Theo một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông – Vận tải), hiện có ít nhất 2 nhà đầu tư, trong đó có một nhà đầu tư nước ngoài, đăng ký làm cổ đông chiến lược với cam kết đồng hành lâu dài, hỗ trợ tài chính để nâng tầm VAA.
Trước đó, vào tháng 7/2016, trong buổi làm việc với Học viện, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trương Quang Nghĩa đã khẳng định: “Việc cổ phần hóa Học viện là một yêu cầu tất yếu, đúng đắn đã được Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra chủ trương và cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.
Được biết, VAA được thành lập năm 2006 trên cơ sở nâng cấp Trường Hàng không Việt Nam. Đây là cơ sở đào tạo bậc đại học và trên đại học các chuyên ngành của ngành hàng không duy nhất tại Việt Nam, lĩnh vực đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Mặc dù có tuổi đời non trẻ, nhưng Học viện cũng đã kịp hoàn thiện 2 hệ thống chương trình đào tạo chính gồm đại học, sau đại học và trung cấp nghề. Từ tháng 12/2015 đến nay, Học viện đang tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng hệ thống đào tạo thứ 3 - đào tạo chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam. Học viện cũng đã được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không công nhận là cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên An ninh Kiểm soát, An ninh soi chiếu, Vận chuyển hàng nguy hiểm, Khí tượng hàng không, Bồi dưỡng kiến thức vô tuyến điện.
Tính đến tháng 6/2016, Học viện VAA có 6 phòng, 7 khoa, 5 trung tâm và nhân lực là 169 người (trong đó có 112 giảng viên và giáo viên, chiếm tỷ lệ 66%) đang làm việc tại 3 cơ sở với tổng diện tích đất quản lý và sử dụng là 10,13 ha.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam là đơn vị đầu tiên ủng hộ đề xuất dừng cổ phần hóa VAA bằng việc dẫn chứng 2 nội dung tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 1/11/2016 (Nghị quyết số 05 – NQ/TW). Cụ thể, Nghị quyết số 05 xác định, sẽ “tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ và tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập” và “cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học”.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, giá trị để thực hiện cổ phần hóa VAA là 241,2 tỷ đồng là không bảo đảm quyền lợi của Nhà nước khi chuyển đổi hình thức sở hữu, vì đơn vị này đang sở hữu 3 khu đất lớn tại TP.HCM và Cam Ranh – Khánh Hòa cùng cơ sở vật chất đi kèm.
Với những lý do này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải, trong giai đoạn trước mắt, chỉ đạo VAA sớm xây dựng Đề án Tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động. Việc cổ phần hóa Học viện sẽ được nghiên cứu, tính toán ở giai đoạn sau này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia thẩm định giá cho biết, do 2/3 lô đất của VAA nằm tại TP.HCM, nhưng đã được quy hoạch cứng là chỉ sử dụng cho mục đích đào tạo, rất khó chuyển đổi công năng nên giá trị sử dụng không lớn như kỳ vọng của Cục Hàng không Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu chủ trương tạm dừng cổ phần hóa Học viện VAA được Bộ Giao thông – Vận tải chấp thuận sẽ gây hiệu ứng “domino” lớn, khi một số bệnh viện, cơ sở giáo dục công lập thuộc diện cổ phần hóa phải điều chỉnh hình thức tái cơ cấu, sắp xếp mô hình tổ chức dù các cơ quan chủ quản đã tốn khá nhiều kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc định giá, lên phương án cổ phần hóa.n