Tài chính - Chứng khoán
Cổ phần hóa làm thay đổi bộ mặt doanh nghiệp nhà nước
Kỳ Thành - 19/11/2015 09:14
Hội nghị lần thứ 8 của Mạng lưới châu Á về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức trong 2 ngày 16 và 17/11 đã có phiên riêng bàn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đã thống nhất quan điểm, cho dù kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay đã được xác định khó hoàn thành, nhưng việc các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư tài chính tham gia vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, đặc biệt là có chân trong hội đồng quản trị nhiều doanh nghiệp sau cổ phần đã thổi luồng gió mới cho các doanh nghiệp này.

Điển hình có thể kể đến Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ quý III/2015 vừa được Vinatex công bố cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu đạt 338 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận 1,29 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với con số lỗ 23 tỷ đồng của năm trước. Cơ cấu vốn của Vinatex cũng có sự thay đổi rõ rệt khi nợ giảm 26%, trong đó nợ ngắn hạn giảm mạnh.

.

Theo các chuyên gia tham dự Hội nghị, cải thiện quản trị doanh nghiệp chính là chìa khóa quan trọng đem lại chất lượng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, từ đó giảm gánh nặng tài khóa và nợ công. Cổ phần hóa chính là một bước giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nhà nước nào sau khi cổ phần hóa cũng đạt được bức tranh tài chính cũng như quản trị tươi sáng. Malaysia là một ví dụ.

Trong quá khứ, Malaysia đã tư nhân hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước của mình, nhưng sau đó lại phải tái quốc hữu hóa do năng lực cạnh tranh kém dẫn đến làm ăn thua lỗ, bà Tricia Yeoh, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu các vấn đề dân chủ và kinh tế Malaysia đã nhắc tới bài học kinh nghiệm này khi cùng bàn thảo câu chuyện cổ phần hóa của Việt Nam.

Đây cũng là một phần lý do khiến ông Hans Christiansen khuyến nghị không nên tư nhân hóa ồ ạt.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đặt câu hỏi, liệu có cần phải thoái vốn, cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tốt khôn? Việt Nam có thể duy trì doanh nghiệp nhà nước nếu hoạt động trong lĩnh vực mà không thể cạnh tranh lại với tư nhân hay không?

Theo ông Lars Erik Fredriksson, Chủ tịch Ban Công tác về quyền sở hữu và thực hành tư nhân hóa sở hữu nhà nước của Thụy Điển, ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ công, một số doanh nghiệp nhà nước cũng tham gia xây dựng chiến lược phát triển quốc gia và khu vực, do đó hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng.

“Tuy nhiên, nhiều quốc gia gặp thách thức trong việc vận hành và cải cách doanh nghiệp, trong đó liên quan nhiều tới tính sở hữu và vai trò của khu vực doanh nghiệp này”, ông Lars Erik Fredriksson nhấn mạnh.

Theo ông Hans Christiansen, Chuyên gia kinh tế cao cấp của OECD, theo quy định của OECD, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm giải trình, công bố thông tin với công chúng giống như doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin với cổ đông, bởi về nguyên tắc, doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu của nhà nước và cụ thể là chính những người dân.

“Khu vực doanh nghiệp này phải cạnh tranh giống như doanh nghiệp tư nhân và không được bóp méo thị trường cạnh tranh. Để làm được điều này, chức năng sở hữu nhà nước phải tách bạch với quản lý nhà nước, cụ thể là nhà nước phải đối xử bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp, nhà nước không được dành ưu ái nào hơn so với các nhà đầu tư khác”, ông Hans nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác