“Giai đoạn 2021 - 2025 tiến hành CPH, thoái vốn ra sao, có tiếp tục thực hiện theo cách hiện nay không?”, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trăn trở.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp |
Ông có thể điểm lại tiến độ CPH, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020?
Trong suốt 5 năm vừa qua, đã thoái được 25.749 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu về cho ngân sách nhà nước 173.103 tỷ đồng. So với giai đoạn trước, kết quả đạt được có thể nói là rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu không tính 3.436 tỷ đồng vốn nhà nước thoái tại Sabeco, thu về 109.965 tỷ đồng, thì kết quả đạt được không còn bao nhiêu.
Đặc biệt, trong cả giai đoạn chỉ thoái được 4.966 tỷ đồng tại 103 đơn vị (thu về 9.647 tỷ đồng) theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định 1232/QĐ-TTg (ngày 17/8/2017), tức là chỉ đạt 30% số lượng doanh nghiệp và 8% giá trị vốn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả CPH cũng buồn không kém, khi mà trong suốt 5 năm chỉ “giải quyết” được 178 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 37 doanh nghiệp nằm trong số 128 doanh nghiệp bắt buộc phải CPH theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg), tức là cũng chỉ hoàn thành được 28% kế hoạch. Trong khi đó, giai đoạn 2011 - 2015 có cả thảy 508 doanh nghiệp được CPH.
Thật không vui khi phải thừa nhận rằng, kết quả thoái vốn và CPH năm 2020 đạt thấp nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, tiến độ CPH, thoái vốn chậm dần đều và đến năm 2020, thì gần như dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Tiến độ thoái vốn rất chậm là so với kế hoạch chúng ta đặt ra, còn so với giai đoạn trước thì kết quả đạt được khá cao. Như tôi đã nói, cả giai đoạn này thoái được 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng, trong khi cả giai đoạn 2011 - 2015 chỉ thoái được 9.835 tỷ đồng, thu về 11.086 tỷ đồng.
Tôi cho rằng, vẫn nên nhắc lại các nguyên nhân dẫn đến không đạt kế hoạch để định hình kế hoạch cho giai đoạn tới. Nguyên nhân được nhiều người nhắc đến đó là hậu quả của đại dịch Covid-19. Đúng là do đại dịch nên từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài có tâm lý phòng thủ, nghe ngóng xem tác động của Covid-19 thế nào và chờ đợi sau khi dịch qua đi, hoặc ít nhất khống chế được dịch bệnh mới quyết định tham gia đấu giá, mua cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhưng Covid-19 mới chỉ xuất hiện từ đầu năm 2020, còn suốt từ năm 2016 đến năm 2019, tiến trình CPH, thoái vốn vẫn vô cùng chậm?
Nguyên nhân là do nhiều quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, nên quy trình thực hiện dài hơn. Rất nhiều doanh nghiệp phải thực hiện từ đầu, hoặc thực hiện lại một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH khiến mất thêm thời gian.
Nguyên nhân nữa cũng được đề cập, là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên, nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi CPH mới sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình CPH. Đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này gồm nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn, tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều địa phương, nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất mất rất nhiều thời gian.
Đây là nguyên nhân khiến chúng ta “lỡ nhịp” CPH những doanh nghiệp lớn đã có trong kế hoạch như VNPT, MobiFone, Vinacomin, Agribank… do tình hình tài chính của các đơn vị này rất phức tạp, sử dụng rất nhiều đất đai ở khắp các tỉnh, thành phố, nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất vô cùng phức tạp. Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mảnh đất như Agribank thì chỉ cần một mảnh đất không xác định được giá trị, không xây dựng được phương án sử dụng đất sau khi chuyển thành công ty cổ phần thì phương án CPH buộc phải dừng lại và toàn bộ tiến trình chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần bị đóng băng.
Xem ra toàn là nguyên nhân khách quan?
Không thể phủ nhận nguyên nhân khách quan, nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập; chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty còn tư tưởng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm và luôn viện dẫn những khó khăn khách quan hoặc đổ cho văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng. Những lý do này, theo tôi là không thuyết phục, vì tại sao có những doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương khác làm được mà mình lại kêu là khó khăn, là do đặc thù. Nếu nói đặc thù thì có rất nhiều đặc thù, mà cái gì cũng đặc thù thì chẳng còn gì là đặc thù nữa. Thực ra, với những trường hợp này chẳng qua là lợi dụng sự khó khăn khách quan, đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, cố tình trì hoãn tiến trình CPH, thoái vốn.
Ngoài ra, theo tôi còn có 2 nguyên nhân nữa, đó là tỷ lệ vốn nhà nước trong nhiều doanh nghiệp quá cao, khó hấp dẫn nhà đầu tư và những vấn đề chưa hợp lý như tổ chức roadshow, lựa chọn thời điểm để tổ chức bán cổ phần lần đầu (IPO).
Ông vừa nhắc đến hoạt động roadshow. Thưa ông, hoạt động này ảnh hưởng gì đến việc CPH, thoái vốn?
Roadshow hiểu nôm na hoạt quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hay một sự kiện nào đó của doanh nghiệp. Đây là một hình thức marketing khá hiệu quả.
Những năm trước, Bộ Tài chính nhiều lần chủ trì thực hiện roadshow tại những thị trường lớn như Tokyo, Singapore, New York, London, đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, CPH, thoái vốn nói riêng. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên hoạt động roadshow đã tạm dừng lại, còn hoạt động roadshow của doanh nghiệp ở thị trường trong nước cũng chưa thực sự được quan tâm nên thông tin và kế hoạch bán vốn, CPH của Việt Nam không đến được với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra là, thời điểm roadshow và IPO cũng cần phải bàn khi tiếp tục CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2021 - 2026. Vì trong thời gian qua, có những thời điểm thị trường chứng khoán “đỏ rực”, nhưng theo đúng kế hoạch, doanh nghiệp vẫn thực hiện roadshow, IPO, mời chào cả ngàn tỷ đồng, chục ngàn tỷ đồng thì làm sao thu hút được nhà đầu tư. Chưa kể, có những lúc thị trường chứng khoán “xanh xanh - đỏ đỏ”, tận dụng cơ hội, hàng loạt doanh nghiệp cùng ngành nghề, quy mô “xêm xêm” nhau đồng loạt roadshow, IPO như trường hợp của Genco 2 (Tổng công ty Phát điện 2) với PVPower (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) chẳng hạn, khiến cổ phiếu bị loãng, cung quá lớn so với cầu và các doanh nghiệp cạnh tranh thu hút nhà đầu tư, nên thất bại trong IPO hoặc bán không được giá là điều dễ hiểu.
Trong giai đoạn tới, dứt khoát VNPT và MobiFone không thể cùng nhau roadshow, IPO, mà phải giãn cách thời gian tối thiểu cũng phải 3-6 tháng.
Theo ông, giai đoạn 2021 - 2025 nên đặt ra mục tiêu CPH, thoái vốn ra sao?
Rất nhiều người đến bây giờ vẫn còn nhầm lẫn khi cho rằng CPH, thoái vốn là mục tiêu hay mục đích. Tôi khẳng định rằng, CPH, thoái vốn không phải là mục tiêu và cũng chẳng phải là mục đích, mà mục tiêu, mục đích là cơ cấu, sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, thông qua đa dạng hóa sở hữu, từ đó thay đổi mô hình quản trị, điều hành, đổi mới cả công nghệ quản lý lẫn công nghệ sản xuất, kinh doanh.
CPH, thoái vốn chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu hay mục đích này. Phải xác định rõ mới có thể đặt ra kế hoạch, lộ trình CPH, thoái vốn cho thời gian tới.
Như vậy, CPH, thoái vốn chỉ là một trong những phương tiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong khi có những phương tiện hiệu quả hơn thì không dứt khoát phải đẩy mạnh CPH, thoái vốn trong thời gian tới, thưa ông?
Thực tế đã cho thấy, CPH, thoái vốn là cách thức để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nói riêng, hiệu quả của nền kinh tế nói chung hữu hiệu nhất, nên trong thời gian tới, không phải đến năm 2026, mà còn tiếp tục phải thực hiện sau năm 2030 vẫn đẩy mạnh CPH, thoái vốn. Tuy nhiên, có đặt ra kế hoạch, lộ trình CPH, thoái vốn cho cả giai đoạn hay không thì phải tính. Theo tôi, có lẽ không nên đặt ra kế hoạch, vì giai đoạn vừa qua chúng ta đặt ra kế hoạch rất chủ quan, duy ý chí.
Tôi cho rằng, quan điểm đẩy mạnh CPH, thoái vốn phải xuyên suốt, nhưng phải theo sát thị trường, không hình thức, cứng nhắc, mà phải hết sức linh hoạt.