SCIC chỉ hoàn thành 86% kế hoạch chênh lệch từ hoạt động bán vốn |
Cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước đi qua năm 2020 với sắc màu ảm đạm khi tiến độ gần như chững lại. Kết quả hoạt động này không chỉ thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, mà còn đạt mức thấp nhất trong vòng 30 năm – kể từ thời điểm Việt Nam bắt đầu tiến hành chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.
Từ phía bên bán trong các cuộc thoái vốn đầu tư của Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng cho biết hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của gặp nhiều khó khăn khi nhiều nguyên nhân khách quan như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, dịch Covid 19... tác động tiêu cực.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, lãnh đạo SCIC cho biết doanh thu bán vốn chỉ hoàn thành 86% kế hoạch nhưng lợi nhuận của tổng công ty vẫn vượt 36% mục tiêu, chủ yếu nhờ nguồn thu cổ tức. Số tiền SCIC nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và sau thuế năm 2020 ước đạt lần lượt là 6.588 tỷ đồng và 6.197 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch. Doanh thu của SCIC năm 2020 ước đạt 7.945 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 4.633 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch; doanh thu tài chính ước cũng vượt 6% kế hoạch, đạt 2.128 tỷ đồng. Còn doanh thu bán vốn ước đạt 1.173 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 602 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 82% kế hoạch đề ra.
Gần nhất, SCIC đang triển khai bán đấu giá trọn lô 44,2 triệu cổ phần VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Tuy nhiên, SCIC vừa phải lùi thời gian thực hiện buổi đấu giá sang ngày 7/1, thậm chí có khả năng hủy tổ chức. Nguyên nhân bởi Nghị định 140/2020 vừa có hiệu lực từ 30/11 hiện chưa có hướng dẫn quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với các đơn vị đã được phê duyệt phương án thoái vốn trước 30/11. Thương vụ thu hút được hai nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô gồm Tập đoàn Kido và một cá nhân. Với giá đấu khởi điểm 18.540 đồng/cổ phiếu, SCIC đã có thể nhận về tối thiểu 816 tỷ đồng nếu phiên đấu giá thành công.
Không riêng đợt thoái vốn tại Vocarimex, buổi đấu giá lô cổ phần của SCIC tại CTCP Traenco cũng đang buộc tạm dừng. Hay như đợt chào bán cạnh tranh 49,89% vốn CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, dù SCIC đã tìm được người mua là CTCP Vĩnh Hoàn vẫn chưa thể hoàn tất vì lý do thủ tục chuyển quyền sở hữu trên Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Tuy không đạt mục tiêu ở hoạt động thoái vốn, năm 2020 lại là năm SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp theo Quyết định số 908/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 29/6/2020.
Lãnh đạo SCIC cho biết đã tiếp nhận 7/14 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên là 8.306 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.246 tỷ đồng.
Việc bổ sung thêm các doanh nghiệp nắm giữ vốn cũng là một trong các nguyên nhân giúp doanh thu cổ tức của SCIC tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2020.
Đối với những tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn có vốn chi phối như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Sông Đà - CTCP... vừa tiếp nhận, với vai trò cổ đông nhà nước, SCIC bước đầu kiện toàn hệ thống Người đại diện tại doanh nghiệp, triển khai thực hiện các biện pháp quản trị doanh nghiệp, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo SCIC, tổng công ty đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.