Ngày 2/12, cổ phiếu ACB cũng đã được hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để thực hiện việc chuyển sàn. Việc chuyển niêm yết sang HOSE đã được cổ đông ACB thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020.
Giới đầu tư kỳ vọng, sau khi chuyển sang sàn HOSE, cổ phiếu ACB có thể lọt vào các rổ chỉ số như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%)… Các quỹ mô phòng chỉ số sẽ cho phép khối ngoại gián tiếp đầu tư.
ACB cho rằng, việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông, hơn nữa chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quĩ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2020, ACB đã phát hành thêm gần 500 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 30%, để trả cổ tức. Qua đó, nâng vốn điều lệ của ngân hàng từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức 2019.
Tính đến 30/9, tổng tài sản ngân hàng đạt 418.748 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,7% lên 297.386 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,6% đạt 334.729 tỉ đồng.
Đáng chú ý, sau 9 tháng, nợ xấu của ACB tăng mạnh hơn 71% lên 2.480 tỉ đồng; qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,54% lên 0,83%.
Chốt phiên giao dịch sáng ngày 1/12, cổ phiếu ACB đứng tại mức giá 27.300 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Nhưng đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu ACB gần đây khá sôi động với những phiên liên tiếp có khối lượng khớp lệnh trên 16 triệu đơn vị.
Đặc biệt, đầu tháng 10/2020, mã này có phiên khớp lệnh kỷ lục hơn 23,2 triệu cổ phiếu.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) vừa công bố danh mục đầu tư cuối tháng 10 với nhiều thay đổi. Cổ phiếu ACB trở thành khoản đầu tư lớn thứ 5, trong khi đó Vinhomes (VHM - sàn HOSE) ra khỏi top 10 danh mục.
Theo đó, VOF đã mạnh tay mua cổ phiếu ACB trong tháng 10, giá trị đầu tư cuối tháng 10 vào khoảng 1.100 tỷ đồng.
Đây là ngân hàng lớn thứ 6 về vốn hóa thị trường tại Việt Nam và là ngân hàng thương mại hàng đầu ở phân khúc bán lẻ và SME.
ACB hiện chiếm 4,9% tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ tại cuối tháng 10/2020, tương đương gần 46,3 triệu USD (gần 1.100 tỷ đồng).
VinaCapital kỳ vọng ACB sẽ được niêm yết vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021 và có thể lọt vào rổ VN30. Tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong VN-Index theo đó sẽ được nâng từ 26% lên hơn 28%.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2020, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company - một quỹ thành viên trong nhóm Dragon Capital đã mua hơn 2,8 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với tỷ lệ 0,13%.
Giám đốc Dragon Capital ông Dominic Scriven đang là Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB.
Trong nửa cuối tháng 10, cổ phiếu ACB giao dịch với mức giá quanh 24.000 đồng/cổ phiếu, ước tính theo đó quỹ thành viên của Dragon Capital có thể bỏ ra 68 tỷ đồng mua 2,8 triệu cổ phiếu ACB.
Tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại ACB vẫn luôn kín ở mức room tối đa 30%, do đó quỹ có khả năng thỏa thuận với nhà đầu tư ngoại khác.
Với mức giá tham chiếu chào sàn HOSE ở mức 26.400 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của ngân hàng đạt hơn 57.000 tỷ đồng (tương đương gần 2,5 tỷ USD).