Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hong Kong hôm 13/4 tăng 0,43% sau phiên bật tăng hơn 6,5% trước đó. Ảnh: AFP |
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận những cơn sóng ngược trong phiên giao dịch chiều 13/4. Hàn Quốc dẫn đầu làn sóng tăng điểm tại khu vực với chỉ số Kospi tăng 1,07% lên mức 3.169,08 điểm, trong khi chứng khoán Nhật Bản đạt mức tăng khiêm tốn, với chỉ số Nikkei 225 đóng cửa tăng 0,72% lên 29.751,61 điểm còn chỉ số Topix nhích 0,2% lên 1.958,55 điểm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận những diễn biến trái chiều. Chỉ số Shanghai Composite trượt 0,48% xuống 3.396,47 điểm trong khi Shenzhen Component tăng 0,242% lên 13.528,31 điểm.
Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng lên nhẹ 0,15% và đóng cửa ở mức 28.497,25 điểm. Cổ phiếu của "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đóng cửa ngày giao dịch 13/4 tại Hong Kong với mức tăng 0,43%. Tại phiên trước đó, cổ phiếu Alibaba bật mạnh hơn 6,5% dù tập đoàn này bị tuyên phạt gần 2,8 tỷ USD do vi phạm quy định chống độc quyền tại Trung Quốc.
Cổ phiếu Alibaba đi lên sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo hôm 12/4 rằng Ant Group, một công ty liên kết của Alibaba, sẽ phải tái cấu trúc thành theo mô hình holding - công ty mẹ nắm quyền biểu quyết ở một công ty khác, có thể kiểm soát các chính sách và giám sát các quyết định quản lý của công ty đó.
Alibaba hiện nắm giữ khoảng 33% cổ phần tại Ant Group. Ant Group hiện đang điều hành Alipay - một ứng dụng thanh toán di động rất phổ biến tại Trung Quốc. Vào tháng 11/2020, thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mức huy động dự kiến lên tới 34,5 tỷ USD của Ant Group đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc "tuýt còi". Ở thời điểm đó, những thay đổi trong quy định pháp lý đối với quản lý công nghệ tài chính (fintech) được cho là nguyên nhân khiến thương vụ IPO này bị chững lại.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thương vụ IPO của Ant Group bị tạm dừng chỉ vài ngày sau khi Jack Ma, người sáng lập Alibaba và Ant Group, đưa ra một số chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc.
Cũng tại thị trường Hong Kong, cổ phiếu của nhà sản xuất chip SMIC tăng 1,19% trong ngày giao dịch 13/4, trong khi cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc khác niêm yết tại Hong Kong đều rớt điểm. Cổ phiếu Tencent giảm 0,9% trong khi cổ phiếu Meituan lao dốc tới 7,44%. Chỉ số Hang Seng Tech cũng trượt 1,6% xuống còn 8.038,81 điểm.
Cổ phiếu của hai “ông lớn” công nghệ Tencent và Meituan "đỏ sàn" sau khi hai công ty này nằm trong danh sách 34 công ty được cơ quan chức năng Trung Quốc cảnh báo trong một tuyên bố rằng "các công ty phát triển nền tảng" phải đảm bảo giám sát hoạt động của mình và khắc phục mọi hành vi phi cạnh tranh trong vòng một tháng. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Alibaba bị tuyên phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm các quy định chống độc quyền.
Tại thị trường chứng khoán Australia, chỉ số S&P/ASX 200 đóng cửa tăng không đáng kể lên mức 6.976,90 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đi ngang.
Chứng khoán Mỹ đêm qua im ắng do nhà đầu tư dè chừng đợi thông tin lạm phát Mỹ được công bố trong ngày 13/4 (giờ Mỹ). Chỉ số S&P 500 đêm qua lắc nhẹ quanh mức 4.127,99 điểm, trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones để mất 55,2 điểm còn 33.745,40 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite rớt 0,36% và đóng cửa ở mức 13.850 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh vẫn suy yếu khi chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm còn 92,153, so với mức 92,8 ghi nhận tuần trước. Trong khi đó, đồng yên Nhật nhích giá và quy đổi 109,35 JPY "ăn" USD, từ mức trên 109,5 JPY đổi 1 USD trong ngày hôm qua, còn đô la Australia rớt giá và trao tay 1 AUD đổi 0,7613 USD, so với mức 1 AUD/0,765 USD trong tuần trước.
Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á cũng im ắng trong chiều 13/4. Dầu thô Brent giao kỳ hạn nhích giá 0,3% lên 63,47 USD/thùng trong khi dầu thô giao sau của Mỹ vững giá ở mức 59,80 USD/thùng.