Sản phẩm dệt may chỉ được hưởng ưu đãi thuế khi có sợi và các công đoạn sau sợi (gồm vải, cắt và may) được thực hiện tại các nước tham gia TPP |
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ TPP là dệt may, thủy sản, cảng biển… Trong đó, dệt may được coi là hưởng lợi nhiều nhất với nhiều ưu đãi cũng như một thị trường rộng lớn đang mở ra trước mắt. Bởi lẽ, khu vực TPP là khu vực tiêu thụ đến 60% hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ. Dự kiến đến năm 2019, tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam của Mỹ sẽ gia tăng, ở quanh vùng 14%.
Ngoài thị trường Mỹ, tiềm năng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào các thị trường khác trong khối các quốc gia tham gia TPP cũng vô cùng to lớn. Khi TPP được ký kết, giá trị xuất khẩu ngành dệt, may mặc và da giày của Việt Nam có thể sẽ tăng gấp rưỡi tính đến năm 2025.
Một thị trướng lớn trong khối tham gia TPP là Nhật Bản. Việc các nhà đầu tư Nhật Bản tăng đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho dệt may tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ và từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2015, dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục khả quan, có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn toàn diện hơn, mặc dù dệt may Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn, kéo theo kỳ vọng cổ phiếu của ngành này sẽ trở thành hàng nóng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng được cơ hội. Bởi lẽ, các doanh nghiệp dệt may muốn hưởng được ưu đãi thuế phải tuân thủ nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi (yarn-forward).
Theo đó, sản phẩm dệt may chỉ được hưởng ưu đãi thuế khi có sợi và các công đoạn sau sợi (gồm vải, cắt và may) được thực hiện tại các nước tham gia TPP. Vì vậy, một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ từ những nước ngoài TPP… sẽ phải chuyển nhập nguyên liệu trong khu vực TPP. Do đó, giá đầu vào có thể cao hơn, dẫn đến giá thành sản phẩm có thể bị đẩy lên.
Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, một trong những doanh nghiệp niêm yết thỏa mãn được quy tắc xuất xứ về sợi là Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu TCM). Hiện nay, Dệt may Thành Công sở hữu 4 nhà máy sản xuất sợi, là một doanh nghiệp niêm yết thỏa mãn điều kiện về nguồn nguyên liệu theo yêu của TPP.
Ngoài cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công, trên sàn chứng khoán, một số cổ phiếu dệt may khác cũng đang được giới đầu tư chú ý như TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, NPS của Công ty cổ phần May Phú Thịnh-Nhà Bè, KMR của Công ty cổ phần Mirae, GMC của Công ty cổ phần May Sài Gòn, GIL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, TET của Công ty cổ phần Vải sợi May mặc miền Bắc, EVE của Công ty cổ phần Everpia Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may còn đang đứng trước sức ép về đầu tư mạnh mẽ từ các đại gia nước ngoài trong lĩnh vực dệt may. Trong năm 2015, nhiều đại dự án của các đại gia dệt may nước ngoài đã đổ bộ vào Việt Nam như Dự án sợi bông 660 triệu USD của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ tại Đồng Nai, Dự án may mặc 300 triệu USD của nhà đầu tư Anh quốc tại TP.HCM, Dự án sợi vải 160 triệu USD của nhà đầu tư Hồng Kông tại Tây Ninh...