Cổ phiếu giảm giá 9,84 lần
Tháng 9/2022, tròn một năm kể từ ngày nhóm cổ phiếu họ Louis đạt đỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, một loạt cổ phiếu giảm giá so với đỉnh. Do tình hình chung của thị trường, kết hợp với việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt dẫn tới cổ phiếu họ Louis “tụt dốc không phanh”.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9/2022, giá cổ phiếu Công ty cổ phần Louis Capital (mã TGG - sàn HoSE) đóng cửa ở mức 6.900 đồng/cổ phiếu, giảm 9,84 lần so với giá đóng cửa cao nhất 74.800 đồng/cổ phiếu ngày 22/9/2021. Nếu so sánh với giá thấp nhất trong vòng một năm qua, giá 4.460 đồng/cổ phiếu ngày 17/6/2022, cổ phiếu TGG giảm 15,7 lần.
Nhóm cổ phiếu họ Louis đã mất giá nghiêm trọng sau một năm đạt đỉnh. (Ảnh minh họa) |
Tương tự, cổ phiếu Công ty cổ phần Louis Land (mã BII - sàn HNX) kết phiên ở mức 5.000 đồng/cổ phiếu, giảm 5 lần so giá đóng cửa cao nhất 30.000 đồng/cổ phiếu ngày 21/9/2021. So sánh với giá thấp nhất trong năm qua, 2.700 đồng ngày 17/6/2022, BII giảm 10,1 lần.
Công ty cổ phần Sametel (mã SMT - sàn HNX) cũng là một cái tên đáng chú ý khi chốt phiên giao dịch ngày 12/9/2022 ở giá 14.000 đồng/cổ phiếu, so với giá 44.000 đồng/cổ phiếu ngày 21/9/2022 thì cổ phiếu này đã giảm 2,1 lần. So với giá thấp nhất một năm gần đây, 10.900 đồng/cổ phiếu ngày 17/1/2022, SMT đã giảm 3 lần.
Ngoài các công ty nêu trên, một số cổ phiếu khác thuộc hệ sinh thái Louis hoặc có liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM - sàn HoSE), Công ty cổ phần VKC Hodings (mã VKC - sàn HNX), Công ty cổ phần chứng khoán APG (mã APG - sàn HoSE), Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH - sàn HoSE), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng - LADOPHAR (mã LDP - sàn HNX)… đều giảm giá trong khoảng từ 1,5 đến 5,5 lần so với giá đóng cửa cao nhất năm 2021. Nếu so sánh với giá thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây, các cổ phiếu đều giảm trong khoảng từ 1,5 đến 7,5 lần.
Kinh doanh bết bát
Sau khi ông Nhân bị bắt, dù các công ty đã bầu ra Chủ tịch mới để quay lại hoạt động, một số tiến hành tái cơ cấu, tìm cách thoát khỏi mối liên hệ với hệ sinh thái Louis. Đặc biệt, lãnh đạo mới của Louis Holdings ra thông cáo báo chí khẳng định hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty thành viên và Tập đoàn Louis Holdings vẫn diễn ra ổn định theo đúng kế hoạch. Thế nhưng, nhìn vào tình hình kinh doanh bết bát, nhiều công ty có lợi nhuận sau thuế âm, có thể thấy rằng, các công ty này đang rất “bất ổn”.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ sau soát xét, trong 6 tháng dầu năm 2022, Louis Capital lỗ 30,22 tỷ đồng, giảm 171,44% so với cùng kỳ (lãi 42,31 tỷ đồng). Doanh thu bán hàng tăng 27,3 lần lên 506,99 tỷ đồng, doanh thu tài chính tăng 133,2 lần lên 23,36 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thua lỗ nguyên nhân do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 54,38 tỷ đồng, tương ứng tăng 228% so với cùng kỳ, chi phí bán hàng tăng lên 13,17 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do, trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng lên 28,78 tỷ đồng, phân bổ lợi thế thương mại tăng lên 11,26 tỷ đồng và chi phí khác tăng lên 8,3 tỷ đồng.
Thủ Đức House (TDH) là một trong hai công ty có lợi sau thuế được ghi nhận lãi nhưng cũng khá ít so cùng kỳ. |
Bên cạnh đó, việc TGG “đột biến” lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2021 không đến từ hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận này đến từ việc hoàn nhập trích lập dự phòng 43,16 tỷ đồng, do công ty thu hồi được các khoản nợ khó đòi.
Ngoài ra, trong báo cáo soát xét, kiểm toán viên nhấn mạnh, số tiền 52,17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 1/1/2022, trong đó có một phần từ lợi nhuận tài chính do việc thao túng chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân và hiện cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định cuối cùng về vụ án.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2022, Louis Land có lợi nhuận sau thuế lỗ 18,56 tỷ đồng, giảm 146,4% so với cùng kỳ (40 tỷ đồng). Doanh thu bán hàng của công ty tăng 90% lên 302,93 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng hóa tăng lên 301 tỷ đồng đã “bào” mòn lợi nhuận bán hàng. Doanh thu tài chính lãi 439,9 triệu đồng, giảm 99.48%, tương ứng giảm 84,73 tỷ đồng (cùng kỳ 85,17 tỷ đồng). Nguyên nhân lỗ do kinh doanh không hiệu quả, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 12 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn của công ty đã tăng lên 21,38%, tương ứng tăng 76,26 tỷ đồng lên 432,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó 17,55 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV nước giải khát Thảo Dược Ladophar trả tiền trước ngắn hạn và 58,28 tỷ đồng phải trả VKC Holdings. Lợi nhuận sau thuế chưa phân bổ của BII tính đến ngày 30/60/2022 là âm 19,84 tỷ đồng.
Sametel cũng có một kết quả kinh doanh kém khả quan khi lợi nhuận sau thuế lỗ 5,62 tỷ đồng, giảm 33,8% so với cùng kỳ (-4,2 tỷ đồng). Dù doanh thu bán hàng tăng 104,47%, tương ứng tăng 91,76 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận bán hàng chỉ tăng 9,67%, tương ứng tăng 1,57 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 103,95%, tương ứng tăng 2,63 tỷ đồng lên 5,16 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 7,57%, tương ứng tăng 920 triệu đồng lên 13 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/06/2022 giảm còn âm 165,38 triệu đồng.
Ngoài ra, Angimex lỗ 6,16 tỷ đồng, giảm 144,19% so với cùng kỳ (13,94 tỷ đồng); VKC Holdings lỗ 191,14 tỷ đồng, giảm 192,13 tỷ đồng so với cùng kỳ (993,86 triệu đồng); mã LDP lỗ 18,93 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ (lỗ 10,94 tỷ đồng).
Hai công ty có lợi sau thuế được ghi nhận lãi nhưng cũng khá ít so cùng kỳ. Đó là Thủ Đức House (mã TDH) lãi 41,74 tỷ đồng, giảm 80,84% so với cùng kỳ (217,81 tỷ đồng) và Chứng khoán APG lãi 654,86 triệu đồng, giảm 97,94% so với cùng kỳ (31,84 tỷ đồng).
Kể từ ngày cổ phiếu họ Louis đạt đỉnh gây nên sóng gió trên thị trường chứng khoán. Đã một năm trôi qua, thế nhưng các cổ phiếu thuộc nhóm họ Louis vẫn gây ám ảnh trong lòng nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nên cẩn trọng trước những tin đồn và thận trọng khi xuống tiền mua cổ phiếu, bởi tin đồn có thể khiến bạn thiệt hại kinh tế khi đầu tư sai chỗ, như cổ phiếu họ Louis từng làm.