Nhiều mã cổ phiếu được chọn trên NEEQ đã tăng khoảng 30% trong phiên giao dịch chiều 6/9. Ảnh: AFP |
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo rằng Trung Quốc sẽ thành lập một sàn giao dịch chứng khoán mới ở Bắc Kinh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động vốn.
Đóng góp hơn 80% việc làm tại Trung Quốc, nhưng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp tư nhân khác gặp nhiều khó khăn hơn so với doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vốn từ ngân hàng.
Theo Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, sàn giao dịch chứng khoán mới tại Bắc Kinh sẽ được xây dựng trên nền tảng của Sàn giao dịch và định giá cổ phiếu Quốc gia (NEEQ) hay còn được biết đến với tên gọi "sàn giao dịch thứ ba mới" ở Trung Quốc. Cơ quan này cho biết, những công ty được chọn từ NEEQ có thể đủ điều kiện để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán mới.
Phía Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc cũng cho rằng, sàn giao dịch chứng khoán mới ở Bắc Kinh sẽ bổ sung cho hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, đồng thời tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
66 mã cổ phiếu được chọn trên NEEQ đều tăng giá trong phiên giao dịch chiều nay 6/9, với gần 1/3 trong số này đã tăng giá khoảng 30%. Đáng kể là cổ phiếu của Công ty sản xuất tấm kim loại Speedbird và Công ty thực phẩm đóng gói Zhulaoliu là hai trong số 10 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất hôm nay. Khối lượng giao dịch hàng ngày trên mỗi cổ phiếu của nhóm này đạt hàng triệu nhân dân tệ trong ngày hôm nay, trong khi giá trị giao dịch các cổ phiếu lớn tại Trung Quốc đại lục lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Đến nay, ngày ra mắt sàn chứng khoán mới ở Bắc Kinh vẫn chưa được công bố. Các nhà chức trách Trung Quốc đang thu thập ý kiến rộng rãi về các quy định cho sàn chứng khoán này đến ngày 22/9.
Việc thành lập sàn chứng khoán ở Bắc Kinh đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm cải thiện thị trường chứng khoán trong nước với định hướng hoạt động như một kênh tài chính cho doanh nghiệp.
Hệ thống phê duyệt IPO chậm chạp của Trung Quốc đại lục cộng với yêu cầu cao về lợi nhuận đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn của nước này, đặc biệt là những "ông lớn" công nghệ như Alibaba và Tencent, đã chọn niêm yết tại New York và Hong Kong.
Thế nhưng, việc Bắc Kinh và Washington đều tăng cường giám sát hoạt động niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đã ngăn dòng chảy IPO của Trung Quốc vào thị trường New York trong mùa hè này.
Trước đó, ngay giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã thành lập Sàn giao dịch STAR Market tại Thượng Hải vào năm 2019, nhằm thu hút đầu tư vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc và giúp quốc gia này có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với phương Tây về công nghệ. Kể từ đó, hơn 300 công ty công nghệ đã được niêm yết trên STAR Market, với tổng vốn hóa thị trường đạt hơn 4.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 728 tỷ USD).
Dẫu vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng Sàn giao dịch STAR Market đã mất đà tăng trưởng trong bối cảnh hoạt động IPO bị trì hoãn.
Giới chức Trung Quốc đã mở rộng một số hoạt động thử nghiệm trên Sàn giao dịch STAR Market, chẳng hạn như mở rộng phạm vi giao dịch chứng khoán hàng ngày sang các lĩnh vực khác tại thị trường đại lục.
Cùng với việc chuẩn bị thành lập sàn chứng khoán mới ở Bắc Kinh, các nhà phân tích hy vọng động thái này sẽ đem đến làn gió tăng trưởng mới cho thị trường Trung Quốc.
Cao Yanghui, Giám đốc Công ty môi giới hợp đồng kỳ hạn Nam Hoa (Nanhua) tại Hàng Châu đánh giá, việc thành lập sàn chứng khoán tại Bắc Kinh cho thấy những thay đổi trên thị trường tài chính Trung Quốc đang "diễn ra với tốc độ tương đối nhanh".
"Nếu trước đây mọi người cảm thấy rằng hệ thống đăng ký (IPO) còn khá xa vời, thì giờ đây nó có thể đã gần kề", Cao Yanghui nhận định.