Tài chính - Chứng khoán
Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá thấp?
Vân Linh - 07/12/2018 10:13
Sau quan ngại tăng trưởng tín dụng bị siết lại, nợ xấu có xu hướng tăng, nguồn cung cổ phiếu tăng trong những tháng cuối năm đã tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu “vua”.

Giá Cổ phiếu ngân hàng sụt giảm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay. Chính nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu này, mà chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh 1.200 điểm. Và khi cổ phiếu ngân hàng mất động lực thì thị trường lao dốc mạnh. Thị giá nhiều cổ phiếu “vua” giảm 10-30% so với đỉnh giá trong năm và còn giảm mạnh hơn nếu so với đầu năm 2018.

.

Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế (VISecurities) đưa ra nhận định, ngân hàng là ngành dẫn đầu thị trường chứng khoán hiện tại, nhưng PE (giá cổ phiếu trên lợi nhuận) trung bình chỉ ở mức 11-12. Đối với các ngân hàng đang từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn Basel II, thì bài toán vừa kiếm lợi nhuận đạt EPS (thu nhập bình quân trên một cổ phiếu) cao, vừa giữ nợ xấu ở mức an toàn đi đôi với việc phải tăng vốn khá nan giải.

Sau quan ngại tăng trưởng tín dụng bị siết lại, báo cáo tài chính quý III/2018 của các ngân hàng nổi lên xu hướng nợ xấu tăng. Thêm nữa, đã qua kỳ hạn 5 năm đối với những khoản nợ xấu đầu tiên bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nay đáo hạn, nhưng vẫn không xử lý được, các ngân hàng phải nhận về, ghi nhận chính thức trên sổ sách.

Lợi nhuận ngân hàng năm 2018 đạt mức cao, nhưng thời gian tới sẽ chịu nhiều áp lực, bởi việc thực hiện tiêu chuẩn Basel II buộc các ngân hàng phải chuyển hướng trong hoạt động. Các ngân hàng không thể đẩy mạnh tín dụng sẽ quay sang tập trung cạnh tranh phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu, song mảng này khó tăng mạnh trong thời gian ngắn

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Chẳng hạn, BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm, tức tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5, tức là nợ có khả năng mất vốn, chiếm trên 7.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,75% trên tổng dư nợ đến hết quý III/2018.

Các yếu tố trên cùng nguồn cung tăng những tháng cuối năm đã tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu “vua”. Các cổ phiếu ACB, MBB, VPB lần lượt được giao dịch quanh vùng giá 27.000 đồng/cổ phiếu, trên 20.000 đồng/cổ phiếu và 21.000 đồng/cổ phiếu.

Rủi ro nợ xấu tăng trở lại chưa cao

Các chuyên gia phân tích VISecurities cho rằng, sự lạc quan đi qua và những lo ngại về khó khăn trở lại với ngành ngân hàng đã làm nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, một khi tín hiệu vĩ mô ổn định trở lại, ngân hàng sẽ là nhóm ngành tiên phong có cổ phiếu tăng giá.

Đánh giá được đưa ra từ một lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng cho rằng, nợ xấu đã được ngân hàng chủ động trích lập dự phòng, ngân hàng có triển vọng thu hồi lại và hạch toán vào lợi nhuận. Chẳng hạn, Vietcombank đều đặn thu về mỗi năm trên dưới 2.000 tỷ đồng từ nợ xấu trong những năm gần đây. 9 tháng đầu năm nay, Techcombank có 817 tỷ đồng thu từ nợ đã xóa, đóng góp vào con số lợi nhuận “khủng” hơn 8.000 tỷ đồng trước thuế.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019 mà Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra, các chuyên gia phân tích cho rằng, rủi ro nợ xấu tăng trở lại chưa cao, do tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính bằng giá trị dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu hiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, BVSC lưu ý về các ngân hàng có sở hữu công ty tài chính tiêu dùng. Thống kê của BVSC cho thấy, nợ nhóm 2 của nhóm nhà băng này có xu hướng tăng.

BVSC dự báo, lợi nhuận ngân hàng niêm yết năm 2019 chỉ tăng 13,5%. Nguyên nhân chính là đà tăng chậm lại của tín dụng (trong 3-5 năm tới sẽ duy trì mức tăng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 - 2017, trung bình 18,1%).

Theo nhận định của StoxPlus, tín dụng khó được kỳ vọng tăng cao trong quý cuối năm nay sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, khi lợi nhuận các ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động này. StoxPlus cũng cảnh báo, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng chưa được cải thiện đáng kể.

Tin liên quan
Tin khác