Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19. |
Tăng giá trước làn sóng chào sàn
Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đã có phiên giao dịch hưng phấn trong ngày đầu chuyển sang sàn HoSE (ngày 9/12). So với giá tham chiếu 28.100 đồng, cổ phiếu này đã tăng giá 7,74% và có mức giá cao nhất trong lịch sử niêm yết. Hơn 24,2 triệu cổ phiếu ACB đã được sang tay với giá trị xấp xỉ 688 tỷ đồng.
ACB cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào cú bứt phá gần 10 điểm của VN-Index. Sắc xanh phủ rộng và áp đảo trong suốt thời gian giao dịch của cả 3 sàn. VN-Index đóng cửa ngày 9/12 tăng 9,87 điểm, lên 1039,13 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 11/12), VN-Index tăng 15,05 điểm, lên 1.045,96 điểm; giá cổ phiếu ACB ở mức 28.200 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ ACB, các mã cổ phiếu “vua” vừa lên sàn và chuyển sàn trước đó như VIB, LPB (LietVietPostBank), NAB (Nam A Bank)... cũng có sự tăng giá đáng kể. Giá cổ phiếu VIB đã tăng trên 80% so với đầu năm nay, nhất là thời điểm trước khi Ngân hàng TMCP Quốc tế chuyển sàn từ HNX sang HoSE ngày 10/11, hiện ở mức 32.100 đồng/cổ phiếu.
Việc chuyển sang niêm yết sàn HoSE đã tác động tích cực lên thanh khoản và giá cổ phiếu “vua”. Đó là lý do để Nam A Bank sớm nộp hồ sơ chuyển sang sàn HoSE chỉ sau 2 tháng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM và dự kiến niêm yết năm nay. Ngoài ra, OCB, MSB cũng đã nộp hồ sơ niêm yết sàn HoSE.
Đánh giá rằng, ngành ngân hàng được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, rủi ro nợ xấu đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng nhờ việc khống chế tốt đại dịch Covid-19 của Việt Nam, SSI Research đề xuất đầu tư vào các mã cổ phiếu “vua” trong tháng cuối năm. 13 ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI Research (chiếm 27,4% vốn hóa HoSE) đạt tổng lợi nhuận trước thuế 29.700 tỷ đồng, tăng 6,6% cùng kỳ. “Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19”, SSI Research cho biết.
Triển vọng sáng về lợi nhuận
Tính đến ngày 30/11, ACB có tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; lợi nhuận trước thuế lũy kế 8,723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu năm; huy động đạt 343.000 tỷ đồng, tăng 11,5%; tín dụng đạt 305.000 tỷ đồng, tăng 13,7%; nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, lợi nhuận sau thuế của ACB năm 2020 và 2021 có thể đạt 8.200 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,2% và 15,5% so với năm liền trước (chưa bao gồm khoản phí trả trước của thỏa thuận độc quyền bancassurance). Vì vậy, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, khả năng Ngân hàng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, khó khăn của thị trường năm 2020 là khó tránh khỏi khi đại dịch xảy ra. Thế nhưng, đến hết tháng 10/2020, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chính thức hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Còn bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, 10 tháng đầu năm 2020, ngân hàng này đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức hồi tháng 6/2020, Sacombank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.573 tỷ đồng và phấn đấu vượt 20%.
Trong khi đó, kết thúc 9 tháng đầu năm nay, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.741 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm 2020.
Đánh giá vừa được Fitch Ratings đưa ra cũng cho rằng, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam cải thiện nhờ kinh tế phục hồi. Fitch Ratings kỳ vọng, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, đây là tín hiệu tốt cho khả năng trả nợ của người đi vay và tạo cơ sở cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.