PVN có thể giảm sở hữu sớm hơn lộ trình
Theo ông Đinh Văn Sơn, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa tại PV Power, trong năm 2019, nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán được với các nhà tài trợ, đồng thời PV Power cân đối được dòng tiền trả nợ thì PVN sẽ đàm phán trả nợ trước hạn. Trên cơ sở dòng tiền PV Power, PVN có thể sẽ thoái xuống mức 35% mà không phải chờ đến năm 2025.
PV Power đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. |
Theo kế hoạch cổ phần hóa, sau khi kết thúc đợt IPO 468 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn, PV Power sẽ chào bán 676 triệu cổ phần, tức 28,882% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, chào bán 0,118% vốn cổ phần cho cán bộ công nhân viên. Nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn sau cổ phần hóa PV Power.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, sản xuất điện không nằm trong những ngành nghề hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, bởi vậy, room cho khối ngoại của PV Power là 100%. Đây cũng là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực cũng như chiến lược thâu tóm.
Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐTV PV Power cho hay, sau hơn 2 năm triển khai công tác tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, PV Power đã tổ chức nhiều đợt roadshow tại các thị trường Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhận được nhiều sự quan tâm cũng như đề nghị tìm hiểu của hơn 100 nhà đầu tư.
Cũng trong phương án tái cơ cấu của PV Power, ông Kỳ cho biết, Công ty sẽ thoái hết vốn tại các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, trong năm 2017, HĐTV PV Power nhận thấy, các nhà máy thủy điện đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu sản xuất, kinh doanh có lãi, do đó, từ năm 2021, PV Power hoàn toàn cân đối dòng tiền và trả hết nợ. Vì vậy, Công ty dự kiến thoái vốn tại các nhà máy thủy điện xuống tối thiểu 51%.
PV Power được thành lập năm 2007, là tổng công ty 100% vốn nhà nước, sở hữu 6 công ty con, 3 công ty liên kết và 8 công ty đầu tư tài chính dài hạn, trong đó 95% lĩnh vực đầu tư là sản xuất và kinh doanh điện.
PV Power hiện là tổng công ty phát điện lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau EVN, trực tiếp quản lý - vận hành 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt 4.208,2 MW, sản lượng phát điện 21 tỷ kWh/năm, chiếm 12% thị phần toàn hệ thống.
Giá 14.400 đồng/cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Nghiên cứu và phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị tư vấn IPO cho biết, điện là ngành kinh doanh ít rủi ro, cùng với tiềm năng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới là yếu tố quan trọng tạo nên độ hấp dẫn cho cổ phiếu PV Power. “5 năm qua, giá điện đã tăng khoảng 20%, vượt nhiều dự báo. Khi thị trường bán buôn cạnh tranh dự kiến triển khai năm 2019, các nhà máy điện có thể bán cho nhiều khách hàng ngoài EVN. Do vậy, có cơ sở để kỳ vọng giá điện sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Barry nói.
Trước bối cảnh đó, PV Power có kế hoạch tăng công suất đáp ứng từ 4.200 MW lên 5.700 MW, với việc đưa vào hoạt động 2 nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Ban lãnh đạo PV Power cho biết, dự kiến Nhà máy Nhơn Trạch 3 sẽ đi vào hoạt động năm 2021 và sau đó 1 năm, nhà máy Nhơn Trạch 4 cũng sẽ đi vào vận hành.
Với mức giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận) của PV Power khoảng 11,2, là mức khá hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là chưa kể năm 2020, PV Power sẽ hết khấu hao tại nhà máy Cà Mau 1, 2 và Nhơn Trạch 1, giúp Công ty giảm chi phí khá lớn.
Trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung khí cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy điện khí, đại diện PV Power trấn an, đối với nhà máy Cà Mau, PV Power đã đàm phán được với Petronas (Malaysia) để bổ sung nguồn cung trong thời gian chờ cụm khí Lô B - Ô Môn đến năm 2021 mới đi vào vận hành.