Tài chính - Chứng khoán
Cổ phiếu SHB tăng giá, con trai bầu Hiển chốt lời
Vân Linh - 15/04/2021 09:00
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về giao dịch của ông Đỗ Vinh Quang – con trai ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Theo đó, ông Đỗ Vinh Quang đăng ký bán 500.000 cổ phiếu SHB theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Ngày thực hiện giao dịch dự kiến từ 16/4/2021 đến 14/5/2021.  

Trước đó, ông Vũ Xuân Thủy Sơn – Phó Giám đốc kiểm toán nội bộ SHB cũng đăng ký bán hết 120.000 cổ phiếu SHB hiện có từ ngày 9/4-7/5/2021. 

Ông Đỗ Vinh Quang (sinh năm 1995) là con trai thứ hai của "bầu" Hiển, năm nay 26 tuổi nhưng đã là Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC), trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. 

Ông Đỗ Vinh Quang hiện sở hữu hơn 52,3 triệu cổ phiếu SHB, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,99%. Trong đó, 35,9 triệu cổ phiếu được Đỗ Vinh Quang mua vào từ cách đây hơn 1 năm, kể từ cuối tháng 1/2020.

Khi đó, giá cổ phiếu SHB chỉ quanh mức 6.000-6.500 đồng/cổ phiếu. Hơn 16 triệu cổ phiếu còn lại là cổ tức bằng cổ phiếu mà ông Quang nhận được trong năm 2020. 

Điều đáng nói là chỉ chưa đầy hơn 1 năm mua vào cổ phiếu SHB, đến hiện tại đóng cửa phiên 14/4/2021, giá cổ phiếu SHB đứng ở mức 25.700 đồng/cổ phiếu, cao gấp hơn 4 lần mức giá mà Đỗ Vinh Quang đã mua vào.

Như vậy, tính theo thị giá ngày 14/4, với việc đầu tư mua 35,9 triệu cổ phiếu, Đỗ Vinh Quang sau hơn 1 năm đã tạm lãi hơn 1.100 tỷ (từ việc được chia cổ tức và thị giá cổ phiếu tăng). 

Thực tế, cổ phiếu SHB cũng là một trong những mã cổ phiếu tâm điểm của thị trường trong thời gian gần đây, đứng hàng đầu nhóm ngân hàng về mức giá tăng và những phiên giao dịch đột biến với thanh khoản kỷ lục.

Đáng chú ý, SHB vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng đến 70% so với năm 2020, tương đương 5.800 tỷ đồng.

Sở dĩ đưa ra mục tiêu lợi nhuận tăng đến 70% theo SHB, Ngân hàng đã chính thức khép lại quá trình sáp nhập Habubank, cơ bản hoàn tất các tồn đọng của đề án sáp nhập.

Năm 2020, SHB cũng đã hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II thông qua đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41, Thông tư 13. SHB đồng thời hoàn thành tăng vốn lên hơn 17,500 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu mới, giúp nâng cao hơn nữa chỉ tiêu an toàn.

Về kết quả trong năm 2020 vừa qua, lũy kế cả năm, SHB dành đến 4.534 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng 88% so với năm trước, chính khoản trích lập này đã "ăn mòn" đến 57% lợi nhuận thuần (7.947 tỷ đồng).

SHB cho biết khoản trích lập dự phòng này nhằm xử lý nợ xấu mà phần lớn đến từ Habubank.

Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 chỉ tăng 13% so năm trước đó, đạt hơn 3.412 tỷ đồng và 2,727 tỷ đồng. Như vậy, đã vượt 4% so với kế hoạch lãi trước thuế 3,268 tỷ đồng cho cả năm 2020.

Nhưng tỷ lệ nợ xấu của SHB giảm xuống mức 1.7%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%.

Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Theo kế hoạch, trong các năm tiếp theo, SHB đề ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.

Tin liên quan
Tin khác