Cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt thời gian qua và còn triển vọng tăng trong thời gian tới. |
Các thông tin tích cực
Giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trở lại trong một năm qua, kéo VN-Index đi lên nhờ các thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh, chia cổ tức, cổ phiếu thưởng...
Kết thúc quý đầu năm 2021, không ít ngân hàng công bố mức lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: VietinBank lãi 7.000 - 8.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020; Vietcombank lãi 7.000 tỷ đồng trước thuế, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm; MSB ước lãi 1.200 tỷ đồng; ACB đạt 3.105 tỷ đồng; MB đạt 4.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế...
Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các ngân hàng đã đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và tăng trích lập dự phòng rủi ro vì lo ngại thông tư này sớm hết hiệu lực trong năm 2021. Đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN cho phép ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch đến hết năm 2021 và được trích lập dự phòng rủi ro trong vòng 3 năm. Tuy vậy, để đảm bảo hoạt động, các ngân hàng đã và đang tăng trích dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu.
Thêm vào đó, mùa đại hội đồng cổ đông năm nay khép lại cũng làm ấm lòng cổ đông, nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng, khi các nhà băng chia cổ tức và cổ phiếu thưởng ở mức khá cao. Cụ thể, VIB chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 40%, ACB chia cổ tức 25%, OCB chia 25%, MSB đưa ra tỷ lệ 30%, MB ở mức 35%; HDBank là 25%... Đây được xem là yếu tố tác động tích cực lên giá cổ phiếu ngân hàng, nhất là khi giá cổ phiếu “vua” đang trên đà tăng.
Có sự phân hóa mạnh
Mặc dù cổ phiếu “vua” được đánh giá triển vọng, song để lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời là không đơn giản, nhất là khi có sự phân hóa giữa các nhà băng.
Tính riêng 3 tháng đầu năm nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá 50 - 100% so với đầu năm. Trong đó, giá cổ phiếu KLB (Kienlong Bank) tăng hơn 67%, VIB tăng trên 73%, LPB (LienVietPostBank) tăng gần 59%, TCB (Techcombank) tăng hơn 35%... Nhóm tăng ít nhất là các cổ phiếu của ngân hàng quốc doanh, khác hẳn so với những năm trước. Cổ phiếu VCB (Vietcombank) không tăng trong khi trước đây thường có mức tăng cao nhất, BID (BIDV) tăng trên 3,8%, duy nhất mã CTG (VietinBank) tăng trên 35%.
Thực tế năm 2020 cũng cho thấy, đà đi lên của cổ phiếu ngân hàng khối tư nhân nhanh hơn nhiều so với ngân hàng có vốn nhà nước. Trong số đó, phải kể đến một số mã như VIB, TCB, ACB, STB (Sacombank), KLB, SSB (SeABank), BAB (Bắc Á Bank)...
Đơn cử, VIB luôn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức từ 42% tới 100% trong 4 năm qua và dự kiến tăng ít nhất 29% trong năm 2021. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu của VIB luôn ở top cao nhất trong ngành ngân hàng và ở mức 25 - 30%. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của Ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, trong đó trên 95% dư nợ bán lẻ có tài sản đảm bảo.
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và ngành ngân hàng được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế, nên sẽ có nhiều triển vọng. Và thực tế, ngay cả khi dịch xảy ra, lĩnh vực này vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Song, cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh dựa trên năng lực, quản trị rủi ro và sức cạnh tranh của các nhà băng trên thị trường.
Theo ông Tuấn, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt thời gian qua và còn triển vọng tăng trong thời gian tới, nhưng có thể về ngắn hạn, sẽ khó kỳ vọng tăng nhanh. “Cổ phiếu ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán tăng trưởng hiện nay là vấn đề bình thường, chứ không thể nói tăng nóng”, ông Tuấn nói và cho rằng, khi kinh tế hồi phục, ngân hàng sẽ được hưởng lợi, tín dụng tăng trưởng trở lại.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2020, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020.
JP Morgan cũng đưa ra góc nhìn tích cực đối với nhóm cổ phiếu “vua”. Theo đó, tốc độ tăng trưởng EPS (tỷ suất thu nhập trên cổ phiếu) bình quân nhóm ngân hàng giai đoạn 2020 - 2023 là 16%. Vì lẽ đó, giá cổ phiếu tăng từ 8 đến 42% trong suốt năm và có thể cao hơn trong 3 năm tới.
Tương tự, VinaCapital cho rằng, ngành ngân hàng có triển vọng tốt hơn cho năm nay nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn (tăng 14 điểm cơ bản lên 3,68%). Kết quả này đến từ việc các khoản vay được cơ cấu lại, phí giao dịch, thanh toán và bảo hiểm cao hơn (tăng từ 12,1% lên 13,4% trong tổng thu nhập). Bên cạnh đó, chi phí tín dụng thấp hơn khi lãi suất giảm, dù dự phòng rủi ro tín dụng vẫn có thể gia tăng.
Nhiều mã cổ phiếu “vua” tiếp tục tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu VPB đạt mức giá 65.800 đồng/cổ phiếu, OCB tăng lên 24.800 đồng/cổ phiếu, TCB đạt 47.850 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu STB giảm nhẹ xuống 25.950 đồng/cổ phiếu, sau khi đạt đỉnh trong phiên giao dịch 14/5 (26.350 đồng/cổ phiếu).
Giá VIB và KLB cũng giảm nhẹ, lần lượt đạt 61.000 đồng/cổ phiếu và 26.400 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tuần này, trong khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước đã đạt đỉnh 62.000 đồng/cổ phiếu và 28.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu SHB tăng trần trong phiên 17/5, đạt mức 29.700 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá SHB đã tăng 103%.