Từ đầu năm 2023, bệnh viện công hạng đặc biệt và hạng 1 có thể thu tối đa 300.000 đồng mỗi lần khám, giá giường bệnh (loại một giường/phòng theo yêu cầu) là 3 triệu đồng mỗi ngày, chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế.
Từ đầu năm 2023, bệnh viện công hạng đặc biệt và hạng 1, giá giường bệnh (loại một giường/phòng theo yêu cầu) có thể thu tối đa 3 triệu đồng mỗi ngày. |
Bộ Y tế đang xây dựng, xin ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, về dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 có giá tối đa 300.000 đồng mỗi lần khám. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện đặc biệt, hạng 1) có giá tối đa 200.000 đồng mỗi lần khám.
Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe: đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Với giá giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thì 3 triệu đồng mỗi phòng một giường.
Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường. Mức giá này giảm còn 1,7 triệu đồng, 1,2 triệu đồng, 900.000 đồng cho các loại phòng có 2, 3, 4 giường.
Ở các tỉnh còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng một giường, giảm dần còn 1,2 triệu, 800.000 - 600.000 đồng cho các loại phòng 2, 3, 4 giường.
Theo Bộ Y tế, giá giường điều trị ban ngày do bệnh viện quyết định nhưng không quá 50% giá giường điều trị nội trú. Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở y tế được quyết định và thu theo mức giá dịch vụ theo yêu cầu khi bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng.
Đối với việc kê khai, niêm yết giá, theo dự thảo, các đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ từ các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ theo yêu cầu để người bệnh biết, lựa chọn.
Cũng theo Dự thảo, đối với dịch vụ khám bệnh, khám, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá khám khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn.
Về yêu cầu đối với cơ sở khám chữa bệnh có cung ứng dịch vụ theo yêu cầu, Dự thảo nêu cơ sở y tế được quyết định và thu theo mức giá dịch vụ theo yêu cầu khi bảo đảm một số chỉ tiêu chất lượng. Trong đó, bảo đảm mỗi bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ.
Cũng về giá khám bệnh và giường bệnh, năm 2019 Dự thảo thông tư giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập được Bộ Y công khai lấy ý kiến rộng rãi trước khi dự kiến ban hành vào 1/10.
Theo Thông tư mới này, viện phí sẽ điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.
Trong đó, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn được thu tối đa từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/giường/ngày.
Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám.
Với giá dịch vụ cao đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận, nhiều người cho rằng giường bệnh đắt ngang hàng với khách sạn 5 sao.
Trước những ý kiến này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính khi đó đã lý giải, hiện nhiều người dân hiểu chưa hiểu đúng về tinh thần của Thông tư này.
Theo vị này, không phải giường dịch vụ nào cũng sẽ có giá như vậy. Một bệnh viện sẽ phân loại xem bao nhiêu loại giường theo yêu cầu, bao nhiêu phòng 1 giường và bao nhiêu phòng 2 giường. Nếu bệnh viện nào đó ban hành mức giá quá cao thì người dân hoàn toàn có thể lựa chọn dịch vụ ở chỗ khác.
Có những loại giường bệnh mức giá 200, 300 nghìn đồng/ngày nhưng cũng sẽ có những giường bệnh giá cao hơn nhiều lần để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
"Tính sơ qua, có thể thấy chi phí vật tư, hóa chất, thuốc men tạm tính cũng phải 700 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra giường bệnh đòi hỏi điều dưỡng phục vụ 24/24 thì cũng phải trả cho họ 400 nghìn đồng/8 tiếng, chưa kể các dịch vụ khác nữa thì cộng lại 1 giường bệnh có giá 4 triệu đồng/ngày cũng là hợp lý", vị này giải thích.
Về dịch vụ giường điều trị, Dự thảo yêu cầu 1 phòng điều trị tối đa không quá 4 giường. Trường hợp phòng có từ 2 giường bệnh trở lên thì phải có tấm chắn, che ngăn cách giữa các giường bệnh.
Đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế, các cơ sở đang sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu và có số giường bệnh theo yêu cầu cao hơn 15% tổng số giường bệnh, thì phải xây dựng lộ trình để giảm dần số giường này, bảo đảm đến hết năm 2024 còn dưới 15% (trừ số giường bệnh theo yêu cầu do đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định để đầu tư khu vực khám, chữa bệnh theo yêu cầu độc lập với khu vực thông thường).
Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập phải xây dựng quy chế để các chuyên gia, thầy thuốc giỏi phải dành tối thiểu 70% thời gian để khám, chữa các ca bệnh khó cho người có thẻ BHYT, người không có BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.
Người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) khi sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu được thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật về BHYT. Phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh.