Sắp tới giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt. |
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết Dự thảo thông tư giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập đang được rà soát lần cuối trước khi ban hành, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10.
Theo Thông tư mới này, viện phí sẽ điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. Trong đó, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn được thu tối đa từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/giường/ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám.
Với giá dịch vụ cao đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận, nhiều người cho rằng giường bệnh đắt ngang hàng với khách sạn 5 sao.
Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Nam Liên lý giải, hiện nhiều người dân hiểu chưa hiểu đúng về tinh thần của Thông tư này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định giường bệnh có giá cao ngất ngưởng như vậy sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện tận thu.
Theo ông Liên, không phải giường dịch vụ nào cũng sẽ có giá như vậy. Một bệnh viện sẽ phân loại xem bao nhiêu loại giường theo yêu cầu, bao nhiêu phòng 1 giường và bao nhiêu phòng 2 giường. Nếu bệnh viện nào đó ban hành mức giá quá cao thì người dân hoàn toàn có thể lựa chọn dịch vụ ở chỗ khác.
Có những loại giường bệnh mức giá 200, 300 ngàn đồng/ngày nhưng cũng sẽ có những giường bệnh giá cao hơn nhiều lần để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. "Tính sơ qua, có thể thấy chi phí vật tư, hóa chất, thuốc men tạm tính cũng phải 700 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra giường bệnh đòi hỏi điều dưỡng phục vụ 24/24 thì cũng phải trả cho họ 400 ngàn đồng/8 tiếng, chưa kể các dịch vụ khác nữa thì cộng lại 1 giường bệnh có giá 4 triệu đồng/ngày cũng là hợp lý", đại diện Bộ Y tế giải thích.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết: Thực tế hiện nay nhiều người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng dịch vụ cao, được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu). Do đó đòi hỏi các bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu các tầng lớp nhân dân.
Các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng nhu cầu nên thời gian qua nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở nước ta cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh…
Mặt khác, ngày càng nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao.
Do đó, việc ra đời thông tư nêu trên là góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị y tế đủ điều kiện thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác công tư để đầu tư các bệnh viện, khu điều trị khang trang, hiện đại, chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ cao để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người bệnh.
Từ đó, người dân có điều kiện thu nhập cao, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh; thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch y tế, chữa bệnh…
Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mặt khác, ngày càng nhiều người tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh chất lượng cao.
"Nếu xây dựng được cơ chế tốt, người bệnh không phải ra nước ngoài khám bệnh sẽ giảm chi phí, mang lại nguồn thu cho bệnh viện trong nước", ông Liên nói.