Đầu tư
Giá dịch vụ y tế tăng khiến CPI bật tăng
Hà Nguyễn - 29/08/2017 15:00
Sau khi giảm và chỉ tăng nhẹ trong tháng 7/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2017 đã bật tăng tới 0,92% so với tháng trước. Một trong những nguyên nhân là do giá dịch vụ y tế tăng cao.
TIN LIÊN QUAN

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước. Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh những tháng đầu năm nay, CPI chỉ tăng rất thấp, thậm chí còn giảm so với tháng trước.

Thậm chí, nếu so với các tháng 8 của các năm qua, thì mức tăng 0,92% cũng khá cao. Kể từ năm 2008 trở lại đây, chỉ có tháng 8/2008 là CPI tăng cao nhất – lên tới 1,56%, tiếp đó là tháng 8/2011, tăng 0,93% so với tháng trước.

.

Các tháng 8 những năm còn lại, mức tăng chỉ xoay quanh 0,2%. Đặc biệt, tháng 8/2015, CPI còn giảm 0,07% so với tháng trước.

Với kết quả này, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 8/2017 tăng 1,23% so với tháng 12 năm trước; tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính bình quân, mức tăng là 3,84% so với cùng kỳ năm trước. Có nghĩa rằng, lạm phát cho đến thời điểm này đang ngày càng nới rộng khoảng cách đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay của Chính phủ.

Quay trở lại với diễn biến CPI của tháng 8/2017, số liệu cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tính CPI, có 10 nhóm hàng tăng giá. Đó là thuốc và dịch vụ y tế - tăng 2,86%; giao thông - tăng 2,13%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống - tăng 1,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,93%; giáo dục - tăng 0,57%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng - 0,10%; may mặc, mũ nón, giầy dép - tăng 0,09%; đồ uống và thuốc lá - tăng 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình - tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,01%.

Chỉ có một nhóm hàng hóa giảm giá là bưu chính - viễn thông, giảm 0,04%.

Nhìn vào tốc độ tăng giá của các nhóm hàng hóa nói trên có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến CPI tăng cao trong tháng 8/2017 là do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao. Trong đó, riêng giá dịch vụ y tế tăng 3,72% trong tháng qua, chủ yếu là do việc tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của UBND tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân liên quan đến CPI nhóm thực phẩm tiếp tục tăng cao, do giá thịt lợn tăng với mức tăng khá cao. Bình quân giá thịt lợn trong tháng qua tăng 5,72% so với tháng trước, khiến giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt cũng tăng theo.

Cũng do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét, giá rau xanh tăng 3,89% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,64% góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,37%.

Ngoài ra, việc chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%, chủ yếu tăng ở mặt hàng sắt thép do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7 nên các nhà máy sản xuất thép đã tăng giá bán từ 5%-10%... cũng tác động tới CPI chung của toàn nền kinh tế.

Tương tự, chuyện giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4/8/2017 và ngày 19/8/2017, cũng làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,13%, góp phần tăng CPI tháng 8 Trong bối cảnh đó, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2017 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,31% so với cùng kỳ.

Còn nếu tính bình quân, lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,47%, thấp hơn mức kế hoạch 1,6-1,8%. Điều này được Tổng cục Thống kê cho rằng là đã chứng tỏ chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Tin liên quan
Tin khác